Hai vụ nữ sinh Quảng Trị bị bạn đánh túi bụi: Nên dạy các em cách thoát thân thay vì "chôn chân" chịu đòn?
Trong vòng một tuần, tỉnh Quảng Trị xảy ra liên tiếp hai vụ nữ sinh đánh bạn trong trường học khiến dư luận xôn xao.
Liên quan đến vụ nữ sinh tát bạn liên tiếp trên bục giảng khiến dư luận xôn xao những ngày qua, ông Trần Đình Hải - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết hiện nhà trường đang làm việc với phụ huynh và 2 nữ sinh sau khi phát hiện sự việc.
Theo đó, vào cuối buổi học sáng 19/3, nữ sinh H.T.B. (lớp 8) đã đánh nữ sinh cùng lớp N.T.T.T.. Về nhà, T. kể lại sự việc với gia đình và gia đình đã báo với nhà trường. Sau đó đoạn clip B. đánh T. cũng được đăng lên mạng xã hội Facebook khiến dư luận bức xúc.
Trong clip, B. liên tục chỉ vào mặt, bạt tai, túm tóc, đấm vào đầu, xô T. ngã xuống sàn. B. đã đánh T. trong khoảng 5 phút. Mặc dù nhiều học sinh khác chứng kiến sự việc nhưng chỉ có một bạn nữ vào can ngăn. Sau khi bị đánh, nữ sinh T. bị ảnh hưởng tâm lý.
Vụ việc nữ sinh đánh bạn ngay trên bục giảng. (ảnh cắt từ clip) |
Ở một diễn biến khác, ông Lê Mã Lương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Đông Hà, Quảng Trị) cho biết hiện nhà trường đã có hình thức nhắc nhở, phối hợp cùng cha mẹ giáo dục hai nữ sinh đánh nhau trong trường này.
Theo tường trình của hai nữ sinh, vì xích mích trong lời nói, vào khoảng 11h30 ngày 18/3, tại khuôn viên trường, N.P.U. (lớp 9) đã bắt buộc bạn cùng lớp T.T.T.D. quỳ xuống xin lỗi mình mới bỏ qua lời nói sai của D..
D. chỉ đồng ý xin lỗi chứ không quỳ thì bị U. đánh đến chảy máu ở vùng đầu. Bức xúc, U. đánh trả. Khi hai nữ sinh đang đánh nhau, một số học sinh khác đã can ngăn, tuy nhiên cũng có những học sinh khác cười đùa, hò reo, cổ vũ. Rất may, một giáo viên trong trường đã phát hiện sự việc và yêu cầu dừng lại thì hai nữ sinh mới ngừng đánh nhau.
Những sự việc học sinh đánh nhau ngay trong trường học khiến nhiều người băn khoăn phải chăng đây bạo lực học đường có chiều hướng ngày càng gia tăng và làm thế nào để ngăn chặn?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Phương Anh – ĐH Sư phạm Hà Nội thì để phòng chống bạo lực học được, bản thân học sinh phải được bố mẹ và giáo viên hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tích cực lồng ghép bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường trong những bài học trên lớp.
Giáo viên có thể dạy các em biết quý trọng thân thể mình, không cho ai được phép đánh mình; có thể hướng dẫn học sinh kỹ năng tự bảo vệ, tự thoát thân khi có dấu hiệu bị bạo lực thay vì cứ “chôn chân” một chỗ cho các bạn đánh.
Mục tiêu giai đoạn 1 là có 100% trường học xây dựng và nghiêm túc thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn.
Hằng năm có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến, học tập kinh nghiệm liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, giáo viên làm Bí thư Đoàn Thanh niên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện…
Giai đoạn 2 tiếp tục nâng cao các tiêu chí của giai đoạn 1.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT Quảng trị sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em
Ngoài ra, còn cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; chú trọng xây dựng văn hóa trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.
Nữ sinh Bình Phước bị đánh hội đồng bằng mũ bảo hiểm do mâu thuẫn từ mạng xã hội
Theo điều tra ban đầu, vụ nữ sinh tại Bình Phước bị đánh hội đồng bằng gậy sắt, nón bảo hiểm là do xuất phát từ mâu thuẫn trên Facebook.
Hoàng Thanh