Hải Dương: Bí quyết của ông chủ khởi nghiệp thành công từ nuôi gà đẻ
Từ khởi nghiệp gian nan
Chia sẻ với PV, ông Đào Hữu Thuân tâm sự, tôi bắt đầu khởi nghiệp từ nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ. Khi đó, tôi chủ yếu nuôi gà trắng lấy thịt với khoảng 200 con gà và làm chuồng trên diện tích đất vườn của gia đình.
Những năm đầu tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi gà. Sau đó, tăng quy mô chăn nuôi của gia trại tôi đã đạt 2.000 con gà thịt/lứa. Trung bình 2 tháng xuất chuồng 2.000 con, thu lãi từ 500-600 triệu đồng/năm.
Khi đó người dân ở Cẩm Đông thấy nuôi gà thành công, kiếm được nhiều tiền hơn so với chăn nuôi khác nên cũng đầu tư chuồng trại nuôi gà thịt. Những năm này người dân ở đây nuôi gà đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, lúc này ông lại trở thành đại lý cấp 1 cung cấp gà và thức ăn chăn nuôi cho nhiều trang trại gà ở các xã trong huyện.
Theo ông Thuân chia sẻ: Sau những thành công thì những tiếp theo thị trường tiêu thụ gà thịt bị giảm, giá bán thấp khiến người chăn nuôi lao đao. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài tác động đó. "Lúc đó, nhiều người bỏ vì gà nuôi ra không bán được dẫn đến vỡ nợ. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đã tìm mọi cách bám trụ với nghề. Có thời điểm, mỗi ngày thức dậy là gia đình lại mất khoảng 15 triệu, như thế ròng rã hàng tháng trời", ông Thuân nói.
Sau đó, nhận thấy gà trắng thịt không còn được thị trường ưa chuộng, tôi đã nghiên cứu thị trường và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trứng gà rất lớn nên thay đổi chăn nuôi gà thịt sang gà đẻ trứng. Lúc mới vào nuôi gà đẻ trứng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng tôi cùng gia đình đã cố gắng vượt qua.
Theo ông Thuân, để nắm vững kiến thức nuôi gà đẻ, ông bỏ ra nhiều thời gian, công sức học hỏi các mô hình trong và ngoài tỉnh, đọc thêm nhiều sách chuyên môn để nâng cao kiến thức, cũng như được nhiều chuyên gia tư vấn. Vì thế, việc chăn nuôi gà đẻ tương đối thuận lợi.
…đến gà đẻ trứng “vàng”
Được biết, với quy mô 1.000 m2 hiện nay ông Thuân đã nuôi 2 vạn con gà đẻ trứng. So với gà thịt, trứng gà tương đối dễ bán do giá phù hợp và số lượng người tiêu thụ cũng đa dạng hơn. Cũng vào thời điểm này, có một số chủ trang trại đã gán lại trang trại do thiếu tiền giống gà và tiền thức ăn chăn nuôi. Ông đã đưa các trang trại này vào tiếp tục nuôi gà đẻ.
Chia sẻ với bí quyết đã khởi nghiệp thành công ông Thuân cho biết: Làm nghề gì cũng phải học hỏi, cũng phải kiên trì mới thành công được. Được biết, hiện ông Thuân đã có 6 trang trại nuôi gà đẻ trứng hiện đại, tổng diện tích 6.000 m2, nuôi 7 vạn con gà, trong đó luôn có 5 vạn con gà đẻ, 2 vạn gà hậu bị. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, được sự tư vấn của các chuyên gia, ông Thuân đã chuyển hướng từ chăn nuôi thông thường sang đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP.
Chia sẻ với phóng viên, ông Thuân cho biết: "Tôi đã sử dụng một số kỹ thuật như điều chỉnh ánh sáng trong chuồng theo chu kỳ, cho ăn theo độ tuổi và bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý nên chất lượng trứng, màu sắc, độ bóng đã nâng lên đáng kể. Năm 2020, sản phẩm đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt OCOP 3 sao càng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm".
Để đảm bảo tiêu chí sạch trong chăn nuôi, nhằm nâng cao chất lượng quả gà, ông Thuân quan tâm lựa chọn con giống, nguồn thức ăn đảm bảo và kết hợp cho gà ăn thêm một số thảo dược như bột gấc, bột nghệ, uống nước tỏi tươi.
Với quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm trứng gà “Cẩm Đông” được các thương lái, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh đặt hàng với giá cao hơn giá thị trường. Trứng gà Cẩm Đông có tỷ lệ lòng trắng thấp, lòng đỏ cao, thơm ngon, bổ sung nhiều vitamin cho cơ thể, được người tiêu dùng lựa chọn.
Với 5 vạn con gà đẻ trứng, mỗi ngày ông Thuân thu khoảng hơn 4 vạn quả trứng, được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, ngoài ra ông còn bán trên sàn thương mại điện tử.
Hiện ông làm thêm dịch vụ cung ứng cám, gạo cho người dân địa phương. Với mô hình kinh tế đa dạng này, năm 2021, ông thu lãi hơn 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên với mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng và 6 lao động thời vụ.
Theo ông Đào Xuân Anh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết: Ông Đào Hữu Thuân khởi nghiệp từ con số 0 đến nỗ lực tìm tòi vượt khó. Việc đưa ứng dụng công nghệ số để làm sao sản xuất ra sản phẩm theo quy chuẩn chất lượng nhất. Nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp