Hà Tĩnh: Sạt lở bờ sông Ngàn Sâu cần được khẩn trương khắc phục
Hàng năm, cứ vào mùa mưa bão, dòng sông Ngàn Sâu (đoạn qua xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) lại gây sạt lở, đe dọa tài sản và tính mạng của người dân. Việc kè đoạn sông này trở nên rất cấp thiết.
Theo người dân kể lại, khoảng hơn chục năm lại nay, dòng sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thường xuyên bị sạt lở, cuốn trôi hàng loạt cây cối dọc bờ, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân nơi đây.
Nếu không kịp thời khắc phục sạt lở, chỉ một vài năm tới, nhiều hộ dân tại thôn Hương Giang phải di dời để đảm bảo an toàn. |
Đặc thù của khúc sông này là nằm sát khu dân cư, khoảng cách từ dòng sông lên đến mặt đất là rất lớn. Bờ sông lại có dốc thẳng đứng nên kể cả khi chưa đến mùa bão lũ, mỗi lúc trời mưa, nước trong làng đổ ra gây xói lở ngầm, đến khi bị hổng chân thì bờ sông tự nhiên đổ sập xuống.
Khoảng cách từ dòng sông lên đến mặt đất rất lớn, bờ sông có dốc thẳng đứng nên tốc độ sạt lở nhanh. |
Đến thời điểm hiện tại, con đường cạnh bờ sông, đoạn qua thôn Hương Giang vốn rất rộng, giờ đã bị sạt lở gần hết, có đoạn chỉ còn khoảng 1m nữa là đến bờ rào của bà Đặng Thị Tuyết. Cây cột điện nằm bên đường đã bị hổng chân, đứng cheo leo, có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.
Cây cột điện nằm bên đường đã bị hổng chân, đứng cheo leo, có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào. |
Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương xã Lộc Yên đã phải cắm biển cấm mọi phương tiện lưu thông, chỉ một số hộ dân trong khu vực ảnh hưởng vẫn phải sớm tối đi về, đánh đu với tử thần.
Bà Đặng Thị Tuyết (71 tuổi, thôn Hương Giang), nhà ở ngay trước con đường bị sạt lở, chia sẻ: “Trước đây bờ sông ở ngoài xa, con đường thôn này cũng thế, là trục chính của người dân trong vùng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, lũ lụt khiến bờ sông sạt lở nhanh, lấn sâu vào khu dân cư, cuốn trôi gần hết con đường này”.
Mặc dù bờ kè đang từng ngày hiện hữu, bảo vệ đất đai, tài sản cho người dân, nhưng dường như chưa hết lo lắng, bà Tuyết kể: “Nhiều đêm đang ngon giấc, bất chợt nghe tiếng đất bị sạt lở mà giật mình tỉnh hẳn luôn, không tài nào ngủ tiếp được nữa. Một nỗi lo mơ hồ ập đến, rồi một ngày nào đó, mảnh vườn và cả ngôi nhà này cũng không thể chống chọi được sự tàn phá của thiên nhiên”.
Cũng theo bà Tuyết, kể cả thời điểm không phải lũ lụt, ở thượng nguồn mưa to thì nước cũng đổ về đây, dâng cao, khiến tình trạng bị sạt lở xảy ra quanh năm.
Bà Đặng Thị Tuyết chưa hết ám ảnh bởi những lần sạt lở đất kinh hoàng. |
Nói về việc chính quyền địa phương sớm có động thái khắc phục sạt lở bờ sông, bảo vệ đất đai, tài sản và cả tính mạng cho người dân, bà Tuyết không giấu được niềm xúc động: “Chính quyền làm được thế, mừng lắm chú ạ, mong cho thời tiết khô ráo kéo dài để công trình sớm được hoàn thiện. Chỉ thương ông nhà bao năm trăn trở, đau đáu nhưng không còn kịp để nhìn thấy bờ kè”, giọng bà Tuyết như nghẹn lại.
Còn cụ Chương (89 tuổi, thôn Hương Giang) thông tin: “Trước đây vườn nhà tôi ra tận ngoài xa. Phía bên kia đường cạnh bờ sông, tôi có trồng khá nhiều keo tràm. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, lũ lụt xói lở cuốn trôi hết. Sạt lở chừng nào thì mình phải lùi dần chừng đó để đường cho dân đi lại”.
Cụ Nguyễn Thị Tín (88 tuổi, vợ cụ Chương) thêm vào: “Chúng tôi ước ao từ lâu lắm rồi. Trước đây đã từng có dự án kè bờ sông này nhưng một số người không đồng thuận nên không triển khai được khiến đất sạt lở vào đây. Nếu kè từ ngày đó thì không ảnh hưởng như bây giờ”.
Con đường cạnh bờ sông vốn rất rộng, giờ đã bị sạt lở gần hết, có đoạn chỉ còn khoảng 1m nữa là đến bờ rào của người dân. |
Ông Cao Đình Mai (69 tuổi, thôn Hương Giang) nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2010: “Lũ lụt năm đó khủng khiếp lắm, nước chảy xiết xoáy, gầm rú như tiếng tàu chạy. Nhiều bụi tre lớn bị nhổ gốc cuốn đi, nhà cửa bị xô đẩy xiêu vẹo, rung lắc trong nước, người dân phải nhanh chóng trèo lên cây mới thoát nạn”.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên thông tin: “Sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Lộc Yên là khá nghiêm trọng. Ngoài 2ha đất sản xuất bị ảnh hưởng thì sạt lở cả con đường trục thôn, khiến các phương tiện không qua lại được. Có nhiều nhà bị sạt lở, cuốn trôi cả chuồng trâu, chuồng bò theo dòng nước”.
“Việc xây dựng kè là rất cấp thiết. Nếu không triển khai kịp thời thì trong một vài năm tới, sẽ có khoảng 5 - 6 hộ dân phải di dời do sạt lở ăn sâu vào vườn, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của họ”, ông Hưng nhận định.
Trần Hoàn