Hà Tĩnh: Dự án nâng cấp quốc lộ 8A 'bức tử' người dân, bụi phủ kín nhà, ô tô lù lù trước mặt sau làn bụi mù mịt
Do quá trình thi công QL8A, đoạn qua xã Sơn Tây (Hương Sơn) không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường khiến bụi bay mù mịt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.
Bụi bay mù mịt, che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. |
Những ngày này, tuyến đường QL8A, đoạn qua thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang được gấp rút thi công để tiến hành thảm nhựa. Tuy nhiên, do các đơn vị thi công không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường nên bụi bay mù mịt, đe dọa cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.
Để tiến hành thảm nhựa, đơn vị thi công đã dùng máy chà mặt đường để đánh bay các vật liệu bẩn, tạp chất, sau đó dùng máy thổi công suất lớn để làm vệ sinh mặt đường.
Do sử dụng máy thổi công suất lớn nên toàn bộ bụi bặm trên đường được xới tung lên, bay mù mịt, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Bụi tràn vào quán hàng, nhà dân khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Để chống bụi, nhiều hộ dân phải dùng bạt, vải che kín toàn bộ mặt trước nhà. |
Trước tình hình bụi bặm “uy hiếp” cuộc sống, nhiều hộ dân phải dùng bạt, vải vóc che kín toàn bộ mặt trước ngôi nhà. Có việc cần thiết thì mới ra ngoài, còn không thì suốt ngày phải đóng cửa.
Nhà bán hàng ăn cạnh đường, bà Thủy cho biết: “Trước đây tôi thường bán cả ngày, quán rất đông khách nên đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Giờ chỉ bán được vài tiếng đồng hồ buổi sáng, từ 8h trở đi là phải đóng cửa vì bụi.
“Khách đến ăn thấy bụi quá họ cũng sợ. Mà bụi quá người ta cũng không vào. Bí quá phải vào thì người ta cũng phải lấy giấy lau nhiều lần rồi mới dám ngồi”.
Mỗi ngày thi công dự án đường, bụi bám thành lớp dày trên mặt bàn tại quán ăn của bà Thủy. |
''Mỗi ngày phải lau bàn ghế, nhà cửa từ 2 đến 3 lần, nếu không thì bụi bám thành một lớp dày. Sau khi đóng quán, toàn bộ cốc chén, bát đũa, đồ đạc phải đem cất hết, trùm kín lại kẻo bẩn.
Khi có việc cần ra ngoài thì phải mặc áo có mũ để trùm lên đầu, nếu không tóc sẽ bạc trắng như bà già. Nếu phun nước thường xuyên thì nó đỡ hơn, nhưng công nhân làm đường không thấy phun tưới gì cả”, bà Thủy phàn nàn.
Cùng chung cảnh ngộ với bà Thủy, ông Thái, chủ cửa hàng điện nước Thái Hằng thông tin: “Bụi mù mịt trời đất, phủ kín cả hàng hóa, nhà nào cũng phải bịt kín lại. Do khách hàng đông nên tôi phải mở cửa quán, tuy nhiên phải dán ni lông ở những ô thông gió để bụi không bay vào nhà ở''.
Ông Lê Đức Sơn (thôn Kim Thành) bức xúc phản ánh: “Họ nói để cho khô mới thảm được nên nhà tôi mỗi ngày phải xịt từ 3 đến 4 lần. Đai thép của nắp cống đáng lẽ đậy xong thì phải đập xuống, đằng này cứ để vậy khiến nhiều cháu bị vấp ngã, riêng con tôi là bị ngã 2 lần rồi”.
Anh Tuấn (xã Sơn Kim 1) thông tin: “Mỗi ngày tôi phải đi về qua đây 4 lượt. Có hôm đi đến đoạn nhân công đang thổi bụi, cùng lúc đó có nhiều xe ô tô lưu thông nên bụi bay mù mịt, dày đặc như sương mù khiến tôi không nhìn thấy gì cả. Khi bụi thưa dần thì phát hiện chiếc ô tô ngược chiều ở ngay trước mặt, hú vía”.
Tiếp nhận phản ánh về tình trạng bụi đường mù mịt ảnh hưởng cuộc sống người dân và nguy cơ mất an toàn giao thông, ông Hưng, chỉ huy trưởng công trường (Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam, địa chỉ tại TP Vinh, Nghệ An) cho biết, đường phải khô khén thì mới tưới nhựa để thảm được. ''Trong biện pháp thi công chỉ có vệ sinh thổi bụi chứ không có hút bụi. Nếu gọi bên chủ đầu tư thì họ cũng nói về phương án đó thôi. Có phương án gì thì tư vấn bên chủ đầu tư hộ tí'', ông Hưng trao đổi.
Cũng theo ông Hưng, đơn vị đã thông báo với chính quyền địa phương và gặp từng hộ dân để làm công tác dân vận cả rồi; bên Ban 4 (Ban Quản lý dự án 4, thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam - PV) cũng giám sát rất kỹ.
Ngoài tình trạng bụi bặm, công trình nâng cấp QL8A, đoạn qua thôn Kim Thành (xã Sơn Tây) còn bộc lộ dấu hiệu kém chất lượng. Nhiều điểm cống thoát nước bị gãy phía trên, trơ thép. Có chỗ ghép ẩu, phải dùng gạch chèn vào. Chiều cao thành cống không đồng đều, đặc biệt là không có biện pháp bảo đảm an toàn.
Rãnh thoát nước bị vỡ trơ thép. |
Ghép ẩu, phải dùng gạch chèn vào. |
Nói về những cái nắp cống có màu sắc cũ kỹ, dường như được tận dụng từ công trình khác, bà Hằng (vợ ông Thái, chủ cửa hàng điện nước Thái Hằng) cho hay "Không phải tận dụng, họ đổ mấy năm rồi, tập kết ở phía trên. Giờ còn thiếu một ít nên mới đổ thêm''.
''Nắp cống thiếu mà họ cứ để mãi thế, không bổ sung vào'', ông Thái nhận xét.
Chiều cao thành cống không đồng đều. |
Tuyến mương thoát nước nhô ra ngoài đường mà không có biển báo hay cọc tiêu phản quang nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. |
Năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL8A đoạn từ Km37 đến Km85+500, với tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, đến năm 2015 công trình sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên Bộ Giao thông Vận tải đã hai lần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, với mốc hoàn thành vào tháng 12/2017.
Nguồn vốn đã cấp là 293 tỷ đồng, đến năm 2020, dự án được bố trí thêm 145 tỷ đồng để thanh quyết toán các gói thầu cũ và thi công phần còn lại. Mới đây, dự án được bổ sung thêm nguồn vốn do Ban Quản lý dự án 4 (thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam) làm đại diện chủ đầu tư.
Nghệ An: Đường trăm tỷ 'nát như tương', cầu mới thông xe hơn 3 năm đã hằn lún
Tuyến đường trục chính thuộc hệ thống hạ tầng giao thông khu đô thị mới Thái Hòa (Nghệ An) được đầu tư gần 300 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2009 nhưng đến nay chưa hoàn thiện, nhiều đoạn mặt đường đã hư hỏng nghiêm trọng, chi chít vết lún, nứt.
Trần Hoàn