Hà Nội: OCOP góp phần xây dựng nông thôn mới ở huyện Thanh Trì
Trong năm 2021, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có 9 sản phẩm được đánh giá, phân hạng với 4 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 20 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao.
Thanh Trì là một huyện nằm ven phía Nam và Đông Nam Hà Nội, có 15 xã và 1 thị trấn với diện tích đất tự nhiên hơn 6.000ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 3.000ha. Xác định việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung Ương, Thành phố về chương trình OCOP; UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình. Theo đó, có 80 sản phẩm với 12 chủ thể đăng ký tham gia chương trình; trong đó năm 2021 là 15 sản phẩm với 3 chủ thể tham gia.
Một cửa hàng bán thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ ở huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Thảo Nguyên |
Đến nay, toàn huyện có 58 sản phẩm sản phẩm được đánh giá, phân hạng với 10 chủ thể tham gia. Trong đó, có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 26 sản phẩm đạt 3 sao. Riêng năm 2021 có 9 sản phẩm của 3 chủ thể được đánh giá, phân hạng với 4 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao.
Huyện Thanh Trì đã xây dựng các nội dung hỗ trợ để khuyến khích các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm tham gia chương trình như hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các Hợp tác xã sản xuất rau an toàn tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ quảng bá và phát triển nhãn hiệu tập thể rượu Ngâu; hỗ trợ xây dựng và duy trì 3 website bán hàng trực tuyến cho sản phẩm miến dong, bánh chưng và rượu ngâu; hỗ trợ các đơn vị tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại do Thành phố và Trung ương tổ chức…
Huyện đã tập huấn kiến thức chuyên môn cho 50 cán bộ huyện, xã và 300 lượt người của Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép vào các hội nghị, tờ rơi, pano… nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện đến toàn thể nhân dân trong huyện.
Cùng với đó, huyện cũng tổ chức các Hội chợ xuân để giới thiệu các sản phẩm chủ lực của huyện trong đó có các sản phẩm OCOP; phối hợp với sở Công thương tổ chức khai trương cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; tham gia trưng bày tại Festival sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm do UBND Thành phố tổ chức; tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền do Thành phố và ngành Nông nghiệp tổ chức bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thành phố.
Việc tham gia Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy người sản xuất, các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, quy trình quản lý của đơn vị đồng thời góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa của người dân, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm có lợi thế của huyện trong thời gian tới.
Huyện Thanh Trì cũng đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025 phát triển, nâng cấp chất lượng các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn, tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 20 đến 40 sản phẩm. Trong đó, có từ 20 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng từ 3 - 4 sao. Triển khai thực hiện ít nhất 1 mô hình làng nghề gắn với du lịch.
Duy trì và phát triển số lượng sản phẩm tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản của thành phố; trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP.
Để thực hiện những mục tiêu đó, thới gian tới huyện sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất về nội dung, mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP; cơ chế, chính sách của Nhà nước, Thành phố về phát triển nông thôn và chương trình OCOP; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và mô hình, cách làm hay của các tập thể, cá nhân thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn các chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các hồ sơ minh chứng để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ củng cố phát triển các vùng sản xuất tập trung, các làng nghề truyền thống trên địa bàn; xây dựng, phát triển mở rộng các mô hình sản xuất mới, mô hình sản xuất tiên tiến tạo ra nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao tham gia Chương trình OCOP.
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm, fesival sản phẩm nông nghiệp, làng nghệ, đặc sản các vùng miền.
Thảo Nguyên