Hà Nội khẩn trương triển khai phương án ứng phó bão số 8
Để giảm thiệt hại, TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó mưa lớn, gió mạnh do bão số 8.
Hình ảnh dự báo vị trí và đường đi của bão số 8. (Nguồn: TTDBKTTVQG) |
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 nên từ chiều nay đến sáng mai (14/10), thành phố Hà Nội có lúc có mưa. Từ chiều mai đến ngày 15/10, TP Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa từ đêm nay đến ngày 15/10 tại khu vực trung tâm và các huyện phía Bắc, phía Tây thành phố phổ biến 50-100mm, các huyện phía Nam 70-120mm.
Bên cạnh đó, khu vực trung tâm TP Hà Nội và các huyện phía Bắc từ đêm nay sẽ có gió mạnh cấp 3-4, sau tăng lên cấp 4-5, giật trên cấp 5, các huyện phía Nam sẽ có gió mạnh cấp 3-4, sau tăng lên cấp 4-5, giật cấp 6.
Ngoài nguy cơ xảy ra mưa lớn, gió mạnh, thực tế 7h sáng nay, mực nước trên sông Bùi tại Trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 6,07m, vượt báo động lũ cấp I và tiếp tục lên. Mực nước trên sông Tích tại Trạm thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) ở mức 7,22m, vượt báo động lũ cấp II...
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, gió mạnh trong bối cảnh đang có dịch Covid-19, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội lệnh báo động lũ cấp II trên sông Tích, báo động lũ cấp I trên sông Bùi; đồng thời yêu cầu các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai chỉ đạo các xã ven đê khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ đê sông theo các cấp báo động lũ.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, các công trình đang xây dựng, khu nhà ở xuống cấp để kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố bảo đảm an toàn công trình; tập trung thực hiện các biện pháp tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để chủ động ứng phó, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, các sự cố công trình. Đồng thời, rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp.
Các huyện chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, như: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tăng cường kiểm tra, rà soát các vị trí đê điều, công trình thủy lợi trọng điểm, xung yếu, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ công trình, bảo đảm an toàn về người, tài sản, kịp thời khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ...
PV