Hà Nội: Huyện Ứng Hoà đổi thay sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Năm 2021, huyện Ứng Hòa cùng với 3 huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Chương Mỹ (Hà Nội) đã trình Thủ tướng xét duyệt huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Dẫu là huyện nghèo nhất nhì Thành phố Hà Nội nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện Ứng Hòa đã có những cách làm sáng tạo, tạo ra hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo đó, cùng với việc triển khai, phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức và ban hành nhiều văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện Ứng Hòa đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Đến nay, huyện có 28/28 xã (đạt 100%) đạt chuẩn NTM và phấn đấu hoàn thành mục tiêu huyện NTM năm 2021.
Đường làng nở hoa |
Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân toàn huyện đã hiến trên 80.900m2 đất. Nổi bật là hộ gia đình ông Phạm Đình Đoàn ở xã Trầm Lộng ủng hộ 236,85 triệu đồng cho người nghèo, quỹ khuyến học, trồng cây xanh trên địa bàn xã, cải tạo sân UBND xã; Gia đình ông Nguyễn Vạn Xuân ở xã Đại Hùng ủng hộ 196 triệu đồng làm đường giao thông ngõ xóm; Gia đình ông Đào Đức Chính ở xã Đông Lỗ ủng hộ 476 triệu đồng làm sân đá bóng, xây cầu, sửa sân vận động...
Sau phong trào hiến đất, những địa phương này đã tạo được quỹ đất công để xây dựng nhà văn hóa, mở rộng đường thôn, xóm, trung bình từ trước chỉ rộng cỡ 2m lên 4-5m. Từ năm 2016 đến nay Ứng Hòa đã có hơn hàng trăm km đường liên xã, liên thôn được đầu tư thảm nhựa, đổ bê tông; đường trục nội đồng kết hợp kênh mương tưới tiêu cũng được cải tạo, nâng cấp giúp đi lại thuận tiện.
Để tạo nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Ứng Hòa đã tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” với trên 1.000 cán bộ, đảng viên và nhân dân tham dự.
Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, các thôn, Mặt trận Tổ quốc huyện cùng các đoàn thể tổ chức lễ phát động, tổ chức hội thi tại các cụm dân cư, các thôn, làng tạo phong trào thi đua sôi nổi trong quần chúng.
Đến nay toàn huyện đã huy động được hơn 313 tỷ đồng từ nhân dân dân đóng góp với nhiều hình thức như bằng tiền mặt, hiến đất nông nghiệp, ngày công lao động để làm đường làng ngõ xóm, bằng nguyên vật liệu....
Cùng với đó, huyện Ứng Hòa xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như chuỗi sản xuất giống lúa mới chất lượng cao tại một số xã liên kết với Hợp tác xã Đoàn Kết từ khâu cung ứng giống, phân bón đến thu mua thóc tươi tại ruộng. Xây dựng cánh đồng ở Hòa Phú trồng một giống lúa với quy trình sản xuất từ khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, dự báo, thu hoạch đồng bộ, năng suất đạt cao, chất lượng gạo ngon, bán được giá. Mô hình trồng rau an toàn tại xã Sơn Công là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai trên địa bàn, từ mô hình thí điểm với 5ha, đến nay diện tích được mở rộng gần 30ha và được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Hà Nội chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Công cuộc xây dựng NTM đã giúp đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 52,4 triệu đồng/người/năm. Trình độ dân trí của nông dân và kỹ năng sản xuất của nông dân có nhiều tiến bộ. Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,17%; ....
Phó phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp khẳng định, diện mạo nông thôn ở Ứng Hòa đang khởi sắc từng ngày, thể hiện rõ nhất từ năm 2016 đến nay đã có hơn 300km đường liên xã, liên thôn được đầu tư thảm nhựa, đổ bê tông; 56km đường trục nội đồng kết hợp kênh mương tưới tiêu được cải tạo, nâng cấp giúp người dân đi lại thuận tiện. Đồng thời lắp đặt mới 117km đường dây điện trung thế, hạ thế và cải tạo 234km đường dây điện trung thế, hạ thế khác. Nhờ đó giúp quá trình lao động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của người dân trở nên vô cùng thuận tiện.
H. Anh