Hà Nội chuyển khu ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang thành nhà ở xã hội
Nội dung trên được UBND TP Hà Nội đề ra theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp (ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng.
Dự án gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) với hơn 1.400 phòng, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên. Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).
Được khởi công từ năm 2009, tuy nhiên, hiện nay chỉ có 2 khối nhà đang hoạt động nhưng phòng trống còn thừa rất nhiều, các khối nhà khác đang bỏ hoang.
Ghi nhận tại dự án, các toà nhà đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, vẫn nằm phơi nắng phơi mưa gây lãng phí trong thời gian dài. Công trình xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp, nhiều phần đất trong khu ký túc xá được người dân tận dụng để trồng rau.
Trước đó, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, thành phố hiện có 3 khu ký túc xá tập trung là Làng sinh viên Hacinco, Ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp; Ký túc xá Mỹ Đình II được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với hơn 3.100 phòng, đáp ứng cho khoảng hơn 21.800 sinh viên. Tỷ lệ lấp đầy sinh viên trong các ký túc xá trung bình đạt 79% và hiện còn trống 673 phòng, đáp ứng cho khoảng hơn 4.800 sinh viên. Do đó, từ năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố không đầu tư xây mới các dự án đầu tư nhà ở sinh viên (ký túc xá).
Hồng Khanh