Hà Nội: 8 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi về đích NTM
Sau thời gian thực hiện chính sách dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực.
Hà Nội: 8 xã vùng đồng bào miền núi về đích NTM (Ảnh: H. Anh) |
100% số xã đã có điểm bưu điện
Đây là nội dung trong báo cáo Báo cáo số 313/BC-SNN do Sở NN & PTNT Hà Nội ban hàng ngày 5/8 về tình hình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có gần 108 nghìn người dân tộc thiểu số, sinh sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 14 xã của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Ðức và Chương Mỹ.
Trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc, miền núi. Theo đó, thực hiện chính sách dân tộc cho 14 xã dân tộc miền núi tại 5 huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được bê tông hóa hoặc cứng hóa; trên 50% đường trục thôn được bê tông hóa. 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn xã có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó, trên 20% kênh mương của các xã được kiên cố hóa.
Báo cáo cũng nêu rõ, 100% số thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có hệ thống điện bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất.
100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, Internet đến thôn, bảo đảm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
100% các xã vùng dân tộc miền núi có trạm y tế xã được đầu tư xây dựng kiên cố và được trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia về y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân ở tuyến xã.
Tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi; hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi được tăng cường, củng cố, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên; Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
8 xã về đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng 02 – Thành uỷ (xây dựng nông thôn mới), trong tổng số 14 xã vùng đồng bào dân tộc của Hà Nội, đến nay, có 8 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
8 xã gồm: Ba Trại, Minh Quang (huyện Ba Vì), xã Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai), Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ). Hiện còn 6 xã chưa đạt chuẩn, gồm: Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Khánh Thượng (huyện Ba Vì) và An Phú (huyện Mỹ Đức).
Giai đoạn 2016 - 2020, Sở NN&PTNT đã thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô.
Trong đó, năm 2017, hỗ trợ chăn nuôi 45 con bò sinh sản cho 45 hộ nghèo tại các xã Vân Hòa, Ba Trại (huyện Ba Vì). Năm 2017 và 2018 hỗ trợ chăn nuôi 90 con bò sinh sản cho người dân các xã Ba Trại (huyện Ba Vì), Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), An Phú (huyện Mỹ Đức). Năm 2019 và 2020, hỗ trợ chăn nuôi 80 con bò sinh sản cho người dân các xã Minh Quang (huyện Ba Vì), An Phú (huyện Mỹ Đức); Yên Bình, Tiến Xuân và Yên Trung (huyện Thạch Thất).
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND, ngày 4/12/2019, của HĐND thành phố, Sở NN&PTNT đang triển khai dự án giảm nghèo cho 14 xã dân tộc miền núi. Đến nay, đã triển khai lập dự án hỗ trợ 670 con bò sinh sản cho 670 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn 14 xã trình thành phố phê duyệt.
H. Anh