Hà Giang: Chống buôn lậu và hàng giả để góp phần ổn định thị trường hàng hóa
Ngày 22/12/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Ông Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cho biết, từ đầu quý II/2022 về cuối năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc do tổ chức nhiều sự kiện du lịch như: Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ VIII…, thu hút nhiều du khách. Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, “chặt chém” du khách, có thể gây tổn hại đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh.
Nhìn lại cả năm 2022, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai nghiêm túc, tập trung xử lý vi phạm đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, mũ bảo hiểm, thuốc tân dược, sách giả bán trên nền tảng xã hội và các sàn thương mại điện tử...
Trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Giang đã kiểm tra 1.169 vụ, tăng 98 vụ so với cùng kỳ năm 2021; xử lý 912 vụ, tăng 175 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 3,6 tỷ đồng, tăng gần 400 triệu đồng; trị giá tang vật hàng hóa vi phạm hành chính bị tịch thu trên 554 triệu đồng; trị giá hàng hoá vi phạm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu huỷ hoặc biện pháp khác gần 2,2 tỷ đồng.
Các nhóm hành vi vi phạm phổ biến gồm: Kinh doanh hàng cấm (2 vụ); Kinh doanh hàng hóa nhập lậu (12 vụ); Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (75 vụ); Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (45 vụ); Vi phạm về đo lường, chất lượng hàng hóa (44 vụ); Vi phạm về lĩnh vực nông nghiệp (19 hành vi); Vi phạm trong lĩnh vực giá (347 vụ); Vi phạm khác trong kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước/quản lý mặt hàng (115 hành vi).
Bên cạnh việc làm tốt công tác quản lý địa bàn, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, tham gia tố giác các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường phát triển lành mạnh.
Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền qua loa đài phát thanh tại các chợ trung tâm xã ở vùng sâu, vùng xa; phát tờ rơi tại các trung tâm mua bán, siêu thị, cửa hàng, đại lý, các chợ; tổ chức gian hàng trưng bày nhận diện hàng thật, hàng giả; tập huấn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, lãnh đạo xã…
Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã vận động 1.155 cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo kế hoạch hoạt động năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, mặt hàng, không để xảy ra, phát sinh, hình thành các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý.
Trọng tâm kiểm tra là các sản phẩm/nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương gồm: Bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc y học cổ truyền; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật...
Việt Hà