Giới trẻ Trung Quốc thuê những căn phòng chỉ nhỏ như tủ đựng giày để làm gì?
Cuộc sống của cô Chen Feifei (22 tuổi) hiện chỉ xoay quanh căn phòng rộng 3m2 được trang bị một chiếc bàn gỗ, đèn học và chồng sách vở.
Căn phòng nhỏ này được cô Chen thuê trong vòng 6 tháng với giá 2.888 nhân dân tệ (400 USD) để làm nơi ôn luyện cho kỳ thi nghiên cứu sinh vào tháng 12 năm nay. Giống như cô Chen, trong vài năm qua, hàng triệu người Trung Quốc mà chủ yếu là sinh viên và thí sinh trẻ tuổi đi thuê các căn phòng nhỏ như tủ đựng giày từ những công ty tư nhân. Từ đây, Trung Quốc xuất hiện thêm một ngành kinh doanh mới cho thuê phòng học.
Theo The Paper, Trung Quốc hiện có hơn 3.600 cơ sở kinh doanh phòng học, mà trong số này hơn 92% ra đời trong vòng 5 năm qua. Đầu tiên, các cơ sở kinh doanh phòng học xuất hiện ở những thành phố lớn. Nhưng trong 2 năm qua, mô hình này đã được mở rộng sang các thành phố quy mô nhỏ hơn và các thị trấn.
Do nhu cầu chuẩn bị cho các kỳ thi như Đại học hay công chức ngày càng tăng trong giới trẻ Trung Quốc nên dịch vụ cho thuê phòng học cũng nở rộ. Như vào năm 2021, cả hai kỳ thi này đều có số lượng thí sinh tham gia cao kỷ lục. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và tình trạng thất nghiệp ở mức cao, nhiều người muốn chuyển vào làm công viên chức trong các cơ quan nhà nước.
“Tôi có thể tập trung học tập tốt hơn trong không gian riêng biệt và không bị tác động từ bên ngoài”, Sixth Tone dẫn lời cô Chen.
Ngoài cung cấp phòng học riêng biệt, các cơ sở cho thuê còn trang bị nhiều tiện ích khác như căng tin và phòng giải trí. Những không gian riêng tư như này đang nổi lên là lựa chọn thay thế cho thư viện, nơi nhiều sinh viên cùng ngồi học song lại phải thường xuyên đóng cửa vì các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc.
Theo báo cáo năm 2020 của tập đoàn internet Meituan, các phòng học cho thuê nổi lên là một trong những lĩnh vực dịch vụ sôi động nhất trên nền tảng, và có khối lượng giao dịch tăng nhanh nhất. Ước tính của công ty tư vấn thị trường iiMedia trong năm ngoái cho hay, số lượng người thuê phòng học sẽ đạt con số 7,55 triệu người vào cuối năm nay.
Song theo các chuyên gia, hoạt động kinh doanh phòng học là không bền vững, vì người cho thuê phụ thuộc chủ yếu vào số lượng khách thuê cũng như xem đây là nguồn thu lợi nhuận duy nhất. Ngoài dự đoán tăng trưởng, báo cáo của iiMedia cũng cho thấy một nửa khách hàng được khảo sát đều có chung nhận định giá dịch vụ cho thuê phòng học hiện quá đắt đỏ.
“Kinh doanh kiểu này không hề dễ dàng, và không dễ tăng lợi nhuận”, ông Zhang, chủ sở hữu một phòng học cho thuê ở Thượng Hải chia sẻ thêm các quy định giới hạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã dẫn tới sụt giảm số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ.
Không có tiền tới gặp nha sĩ, người đàn ông tự nhổ răng suốt 10 năm
Công ty hứng 'gạch đá' vì gợi ý ứng viên tăng ca miễn phí, nhận lương chậm
Minh Thu (lược dịch)