Mở lối qua biển mây

Bản Sim San của người Dao ở xã Y Tý, huyện Bát Xát lọt thỏm giữa rừng núi trập trùng, quanh năm sương mù bủa vây mịt mùng.

Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại…

Một điểm trường tiểu học xinh xắn và mấy bể cá tầm bên sân trường là hai “công trình” đầu tiên được làm bằng gạch với xi-măng ở bản. Đó cũng là những “viên gạch” đầu tiên “xây” lối mở đường qua biển mây mờ, tìm đến ánh sáng và ấm no…

Xa xôi Sim San

Từ trung tâm xã Y Tý vào bản Sim San khoảng 18 km đường “khủng”. Chiếc xe máy của chúng tôi dò dẫm qua từng khúc cua tay áo khi bánh xe cận kề mép vực, rồi lại gầm rú nhảy chồm chồm trên đống đá hộc trơn tuột. Có đoạn dốc quá, ngồi trên xe mà như muốn ngã ngửa ra sau, dù xe về số một, ga thốc, hai tay ghì chặt vào tay lái, có sự giúp sức của đồng nghiệp, tôi mới điều khiển chiếc xe nhích từng tí một. Một chàng trai người Dao dẫn đường an ủi: “Có đường như thế này là may đấy, trước đây nó chỉ là lối mòn, dành cho bàn chân ngựa thồ tõe ra bám vào đá thôi. Chỉ thương mấy thầy, cô giáo mỗi lần vào bản dạy học phải đi bộ mất cả ngày trời đấy!”. Nguy hiểm nhất là mấy dòng suối chảy vắt qua con đường mòn hiểm trở này. Mùa khô còn đỡ, chứ vào mùa mưa, nước lũ tràn về tung bọt trắng xóa, không ai dám ra khỏi bản. Sau hơn 3 giờ “đánh vật” với con đường “đau khổ” và nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Sim San.

Mở lối qua biển mây - ảnh 1
Cô và trò ở Sim San mong có một cây cầu qua suối.

Bản Sim San có 49 hộ người Dao, sống trong những căn nhà tường trình nằm rải rác ven bờ suối. Những dãy núi sừng sững dài dằng dặc như thành lũy ngăn cách bản với bên ngoài. Núi cao quây kín đến nỗi mây khó“thoát” nổi, khiến ở đây quanh năm ẩm ướt, mù mịt. Khi thành phố Lào Cai lạnh khoảng 10oC thì ở Sim San nhiệt độ đã…về 0oC. Sự tách biệt, giao thông cách trở, thiếu thốn mọi bề khiến đói nghèo và hủ tục kéo dài triền miên. Phân hiệu Trường Tiểu học Sim San nằm khuất dưới lòng thung gồm 2 gian nhà cấp 4 cũ kỹ được xây dựng nhờ nguồn hỗ trợ của một tổ chức cách đây 10 năm. Đối diện đó là căn nhà tạm, vách gỗ nằm liêu xiêu trong gió - nơi trú ngụ của 6 thầy, cô giáo “cắm bản”. Xác định phải kiên gan bám trụ mới có thể giúp bà con nâng cao tri thức, thầy, cô giáo ở điểm trường này cũng như biết bao giáo viên “cắm bản” ở vùng cao khác đã cống hiến tuổi thanh xuân cho vùng đất khó. Nhiều năm đằng đẵng sống xa gia đình, ngoài giờ lên lớp, các thầy, cô giáo chỉ biết quanh quẩn trong ngôi nhà tranh, bếp củi.

Ngày ở vùng cao thật ngắn. Nắng đang rực rỡ bỗng nhiên vụt tắt bởi những dãy núi sừng sững, gió ù ù thổi kéo theo màn sương mỏng loang dần xuống khoảng sân nhỏ, trời trở lạnh và sầm tối nhanh chóng.

Từ nấu rượu thóc đến nuôi cá tầm

“Học cái chữ rồi mới thấy, mặc dù bản mình còn khó khăn nhưng vẫn có tiềm năng đấy” - anh Tẩn Phù Tìn, Trưởng bản Sim San nói chắc nịch. Ở vùng cao, lớp học “cắm bản” không chỉ đón trẻ em, mà còn “rộng cửa” mời cả thanh niên và các người già tới học. Chính cái chữ giúp người Dao nghĩ sáng hơn, nhìn thấy lợi thế từ sản vật quê nhà. Từ lâu, người vùng cao thường nấu rượu bằng mầm thóc ủ men lá, nhưng nhờ dòng suối mát trong veo, cộng với mây mù quanh năm, nên Sim San mới nấu được loại rượu mầm thóc đặc biệt thơm ngon. Rượu Sim San nặng hơn 40 độ mà vị rất dịu, hương thơm nồng, từ lâu nổi tiếng khắp vùng. Vợ chồng anh Tẩn Phù Tìn có 3 bếp nấu rượu và là hộ đầu tiên trong bản đưa loại rượu đặc sản này ra thị trường. Anh Tìn còn vận động được hầu hết các hộ trong bản tận dụng thời gian nông nhàn nấu rượu bán để tăng thu nhập. Từ mô hình này, đến tháng 7/2010, Sim San đã thành lập Hợp tác xã nấu rượu do ông Ly Giờ Lúy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Y Tý làm Chủ nhiệm. Với 25 xã viên, mỗi xã viên góp 10 triệu đồng để hoạt động. Hợp tác xã đã đầu tư dụng cụ, cung ứng thóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên với giá 30.000 đồng/lít rượu. Quy trình nấu rượu thóc Sim San đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều thời gian, nên rượu nấu ra đến đâu là bán hết ngay đến đó, nhờ vậy bà con có thêm thu nhập...

Từ mùa hè 2014, bản Sim San thêm hướng làm ăn mới, khi những bể nuôi cá tầm đầu tiên được xây dựng, góp phần hiện thực hóa chủ trương nuôi cá nước lạnh ở Bát Xát. Dòng nước mát lành đã làm nên hương vị đặc biệt của rượu thóc, nay lại được dẫn về cho đàn cá tung tăng. Xác định nuôi thủy sản là mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp, từ năm 2011, huyện Bát Xát đã chuyển đổi hơn 10 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá, trong đó, xã Y Tý và Dền Sáng triển khai nuôi gần 2 ha cá hồi, cá tầm; năng suất bình quân 37,5 tấn/ha. Bên cạnh Sim San, các bản trên núi cao cùng xã Y Tý như Trung Chải, bản Nhìu Cù San cũng được coi là “địa chỉ đỏ” về nuôi cá nước lạnh.

Vợ chồng anh Đinh Bùi Ninh được giao trông nom, chăm sóc đàn cá theo dự án phát triển thủy sản tại Sim San. Anh Ninh sinh năm 1982, quê ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), mới cưới vợ người Yên Bái. Đôi vợ chồng son theo dự án lên lập nghiệp ở bản Sim San từ giữa năm 2014. Anh vui vẻ cho biết: “Cá tầm hợp với khí hậu và nước suối ở đây, nên phát triển ổn định. Nuôi giống này chỉ vất vả đêm hôm, vì chúng thích ăn khi trời tối, nên đêm nào tôi cũng phải cho ăn 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ. Thứ nữa, người chăm sóc cần chú ý nước vào, ra cho phù hợp. Vợ chồng tôi đã quen với nếp sống ở đây, tuy thiếu thốn nhiều thứ, nhưng bà con tốt bụng lắm. Chúng tôi sẽ theo hết thời gian 5 năm của dự án, sau đó nếu có dự án khác thì vẫn muốn tiếp tục nuôi cá ở vùng cao, vừa có thể phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần hướng dẫn bà con cách làm ăn mới”.

Ươm thêm mầm xanh!

Một cách hữu ý, khu bể nuôi cá tầm ở Sim San được xây dựng ngay bên sân trường ngày ngày líu lo tiếng trẻ. Không chỉ các thầy, cô giáo ra đây thư giãn sau giờ lên lớp, mà dân bản cũng thường qua lại trầm trồ. Chỉ là những bể xi-măng hình tròn với đàn cá “lạ mắt” nhưng có thể cho thu nhập tiền tỷ, ngỡ là “chuyện trên trời”, nay đã ở ngay trước mắt người Dao, thắp lên hy vọng đổi đời. Cả cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, người có 18 năm gắn bó với sự học nơi vùng cao này cũng chưa bao giờ thấy “công trình hiện đại” như thế cạnh các điểm trường. Trưởng thôn Tẩn Phù Tìn bảo rằng, bà con người Dao ở Sim San từ nay phấn khởi rồi, vừa biết làm giàu từ trồng cây thảo quả dưới tán rừng, biết nấu rượu thóc và giờ còn biết nuôi cả cá tầm nữa. Dọc đường từ xã vào bản, những hàng cột đã mọc lên, hy vọng thời gian gần nhất sẽ có điện sáng trong bản. Ở Sim San, dù giáo viên còn phải ở nhà lá, nhưng ít nhất lớp học cũng được xây bằng gạch, quan trọng hơn là lũ trẻ đã quen đến trường, hứng thú học chữ. Bấy nhiêu đó cũng đã phải đổi bằng công sức bao năm ròng của các thầy, cô giáo khi phải lần lượt đến từng nhà, thuyết phục bà con bỏ hủ tục, cho con em họ đến lớp với hy vọng cuộc đời chúng sau này sẽ bớt cơ cực hơn ông cha.

Vùng cao muôn sự đều thiếu, nhưng cái gì cần nhất? Nghe tôi hỏi vậy, cô giáo Hằng Nga đáp ngay: “Một cây cầu treo anh ạ! Con suối chảy qua giữa bản, ngày thường hiền hòa thế, nhưng mưa xuống là nước dâng lên chảy xiết ghê lắm. Ngày nào bọn em cũng phải dậy từ mờ sáng, dắt học sinh qua suối, không dám để các em vượt suối một mình. Nhiều hôm nước lớn, lũ về cuồn cuộn, cô trò chỉ biết đứng hai bên bờ nhìn nhau, rồi đành cho các em nghỉ học”.

… Vạt nắng hiếm hoi chợt rẽ mây mù để nhuộm vàng sườn núi cùng lúc tiếng trống tan trường vang lên. Lũ trẻ chân đất reo hò kéo ra khu bể cá xem lứa cá tầm mới thả còn nhút nhát, thường tụ thành đám đen đặc giữa bể. Một mái trường còn đơn sơ, những bể cá chưa to lắm, rồi đây có thể thêm cây cầu treo nhỏ - tất cả đều đem đến niềm tin và hy vọng cho vùng đất còn nhiều gian khó này.

TRUNG KIÊN/Báo Lào Cai

Giao lưu văn hóa sưu tập tem nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ

Chương trình Giao lưu văn hóa sưu tập tem sẽ giúp học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) thêm yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển phong trào sưu tập tem trong trường học.

Nữ sinh Trường Newton và hành trình giành học bổng toàn phần đại học top đầu thế giới

Tháng Tư luôn là giai đoạn sôi động nhất của việc apply học bổng của các học sinh có khát vọng tìm kiếm những môi trường giáo dục lý tưởng trên phạm vi toàn cầu.

Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp

Vừa qua, Trường THCS- THPT Newton đã tổ chức hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”.

Tuyển sinh 2022: Thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học từ hôm nay

Từ hôm nay (18/9), Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến; hạn cuối xác nhận nhập học là 17h ngày 30/9/2022.

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh triển khai phương án phòng, chống virut Corona

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh vừa ban hành văn bản số 132/SGDĐT-CTTT gửi Trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở; Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh do virut Corona gây ra.

Hải Phòng: Nhiều trường học "nhắc nhở" phụ huynh phòng chống vi rút Corona

Trong ngày 30, 31/1, nhiều trường học tại thành phố Hải Phòng đã có thông báo gửi đến phụ huynh, học sinh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona.

Dọn phòng, bố ngỡ ngàng phát hiện Bộ luật “phải tuân chỉ” của con trai lớp 5

Một học sinh lớp 5 (ở Thanh Hóa) đã tự đề ra bộ luật 21 điều “phải tuân chỉ” riêng cho bản thân khiến cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng.

Diễn biến mới nhất vụ hàng chục học sinh ở Đắk Lắk mang "hàng nóng" đi hỗn chiến

Vụ hàng chục học sinh tham gia chuẩn bị đánh nhau tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu của nhà trường cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng đã "vênh" nhau một cách khó hiểu.

"Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 của Hà Nội đưa ra yêu cầu hoàn toàn phi lí"

Đó là chia sẻ của TS. Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên trườn THPT Chu Văn An (Hà Nội) về đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 9 của Hà Nội.

Xã hội càng "trí tuệ nhân tạo" sẽ càng cần "nhân văn số"

Ở Việt Nam, rô-bốt đã làm thay chức năng của nhân viên trong thư viện. Như vậy, để thấy viễn cảnh rô-bốt thay thế hoàn toàn con người trong một số lĩnh vực kỹ thuật không còn xa nữa. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là rô-bốt có thể thay thế mọi lĩnh vực...

Đang cập nhật dữ liệu !