Giáo dục văn hóa học đường phát huy những hiệu quả tích cực
Thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo báo cáo từ Vụ công tác chính trị học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các Bộ, ngành và địa phương trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS được tăng cường, phát huy được trách nhiệm, thế mạnh của từng cơ quan, tổ chức cùng tham gia quản lý, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng.
Biểu hiện cụ thể ở nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đạo đức lối sống từng bước được đổi mới. SGK của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được rà soát, tinh giản những nội dung mới, khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với HS, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Mạch nội dung giáo dục đạo đức được xây dựng dựa trên các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm thay thế cho mạch nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình hiện hành được xây dựng theo các mối quan hệ (với bản thân, người khác, cộng đồng, đất nước, nhân loại, công việc và môi trường tự nhiên).
Bổ sung nội dung giáo dục những kỹ năng sống cần thiết đối với HS như: phòng tránh xâm hại; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực học đường; ứng phó với tình huống nguy hiểm; thích ứng với thay đổi.
Thay thế những kiến thức kinh tế chính trị hàn lâm bằng kiến thức thiết thực với HS như: hoạt động tiêu dùng (tiết kiệm; quản lí tài chính; tiêu dùng thông minh;…), hoạt động kinh tế của Nhà nước (ngân sách và thuế; thị trường lao động - việc làm; bảo hiểm và an sinh xã hội), hoạt động sản xuất, kinh doanh (sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh; ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh; đạo đức kinh doanh; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;…).
Cùng với đó là lược bỏ các kiến thức triết học, đạo đức học, pháp luật trừu tượng; bổ sung những kiến thức thiết thực về đạo đức và pháp luật lao động, dân sự, hình sự, sản xuất, kinh doanh,… Các hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho HS được triển khai đa dạng, thiết thực, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về đạo đức lối sống của HS.
Văn hóa xếp hàng tại trường học |
Đồng thời, cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, có sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường như: Xây dựng nền nếp, quy tắc ứng xử văn hóa, tổ chức hát Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc, tập thể dục, hoạt động thể thao, tổ chức cho HS lao động, dọn dẹp vệ sinh, xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, thân thiện, văn minh.
Các phong trào thi đua và hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo HS tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh rèn luyện đạo đức, hình thành lối sống lành mạnh. Thông qua các phong trào thi đua, hoạt động của Đoàn, Đội đã có rất nhiều tấm gương HS vượt khó học giỏi, nhiều gương học sinh có những hành động đẹp trong cuộc sống.
Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đã đạt kết quả bước đầu. Chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo các hoạt động trong nhà trường. Các tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho HS, quản lý hoạt động HS trong dịp hè, tạo điều kiện để HS có môi trường rèn luyện. Đa số cha mẹ và gia đình dành nhiều sự quan tâm đến con cái.
Theo đánh giá phần lớn HS có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Các phẩm chất như nhân ái, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau, sống có nghĩa tình, cần cù kiên trì, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trung thực, đoàn kết được đại đa số HS nhận thức và phát huy. Nhiều HS có ý thức trách nhiệm với gia đình, với việc học tập rèn luyện và với bản thân; biết và thực hiện sống, làm việc tuân thủ theo pháp luật; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Phần lớn HS có lối sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú và phê phán những tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi trái thuần phong mĩ tục của dân tộc; không sa vào tệ nạn xã hội; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động do ngành Giáo dục, các bộ, ngành, TW Đoàn phát động. Nhiều em HS biết hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, giữ được nếp sống yêu lao động, tiết kiệm, giản dị, khiêm tốn, tôn trọng người khác. Hầu hết HS ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, ra sức phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện về mọi mặt với khát vọng cống hiến cho dân tộc.
Hoàng Thanh