Giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng
Đến nay, 100% xóm thuộc xã Lê Lai (Thạch An, Cao Bằng) có đường liên xóm đến trung tâm xã,100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên, an toàn; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 47,9%...
Sáng 27/10, Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng do ông Bàn Quý Sơn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Lê Lai (Thạch An).
Đây là hoạt động nằm trong chương trình hoạt động của HĐND tỉnh Cao Bằng năm 2021. Trước khi có buổi làm việc với địa phương, đoàn đã đi giám sát thực tế tại Trường Mầm non, Tiểu học - THCS Lê Lai; một số hộ dân tại xóm Nà Cốc, xã Lê Lai.
Qua báo cáo, xã Lê Lai có 9 xóm hành chính, 768 hộ dân, gồm 4 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh cùng sinh sống; đời sống của nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, hiện xã còn 74 hộ nghèo, 46 hộ cận nghèo.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020, xã Lê Lai huy động nguồn lực được 93 tỷ 874,3 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 70 tỷ 546 triệu đồng; ngân sách huyện 6 tỷ 479,5 triệu đồng; ngân sách xã 308,3 triệu đồng; các Dự án PSARD, VIE/036 là 10 tỷ126 triệu đồng; các tổ chức, doanh nghiệp 49,5 triệu đồng; Sở Công thương (đơn vị hỗ trợ nguồn lực) 229,518 triệu đồng; nhân dân đóng góp 203,271 triệu đồng, 10.521 ngày công lao động, hiến 63.900 m2 đất.
Đến nay, 100% xóm có đường liên xóm đến trung tâm xã, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên, an toàn; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chiếm 47,9%; hệ thống mương thủy lợi đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. 9/9 xóm có nhà văn hóa, đáp ứng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học thường xuyên được nâng cấp, chuẩn hóa; đội ngũ giáo viên các trường học đạt chuẩn, 2/3 trường học đạt chuẩn theo quy định; xã có 1 trạm y tế, nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia.
Tháng 6/2020, xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiện có trên 730 hộ đánh giá mức độ hài lòng các tiêu chí về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, xã còn một số khó khăn trong việc duy trì đạt chuẩn nông thôn mới như: địa bàn xã trải rộng, dân cư sống rải rác, diện tích đất canh tác còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp theo hướng chưa phát triển, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ cấu hạ tầng gặp khó khăn; các nhà văn hóa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất nhưng một số xóm khi sáp nhập không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thu nhập của người dân chưa ổn định, có nguy cơ tái nghèo, một số bộ phận nhân dân còn trông chờ, ỷ lại Nhà nước; kinh phí đầu tư còn hạn chế, nguồn vốn dàn trải trong khi vốn đối ứng của địa phương không có để tập trung xây dựng...
Tại buổi làm việc đại diện xã Lê Lai kiến nghị tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết; quan tâm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tiếp tục hỗ trợ các nguồn vốn từ chương trình, dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội theo chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Sau khi giám sát thực tế tại địa phương cũng như nghe báo cáo và các kiến nghị của xã Lê Lai, trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn nhấn mạnh, việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình thực hiện liên tục, địa phương cần tiếp tục quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân để đảm bảo sự ổn định và bền vững các tiêu chí.
Theo đó, huyện đặc biệt là xã cần chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất gắn với nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa, cải thiện môi trường cho người dân; đảm bảo công tác an ninh trật tự tại địa phương.
Song song với đó, địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực, sự đóng góp tích cực của người dân, các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế hợp tác xã để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
H. Anh