Giải thưởng Make in Viet Nam: Doanh nghiệp công nghệ số tự tin giải các bài toán Việt
Mỗi sản phẩm, giải pháp đạt Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” đều được xây dựng với mục đích giải một bài toán cụ thể của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số rất tự tin trong việc giải các bài toán Việt.
Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Những nỗi đau của đất nước như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch Covid19, phục hồi kinh tế chính là động lực để giới công nghệ giải quyết những nỗi đau đó. Công nghệ số, giải pháp số và trí tuệ Việt Nam sẽ giải được nhiều bài toán khó, đưa Việt Nam hùng cường thịnh vượng, hoà bình lâu dài”.
Trước đó, tại Lễ phát động Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2021", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng đã lưu ý rằng, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam cần có niềm tin mình là người có khả năng giải quyết tối ưu nhất các bài toán của Việt Nam, qua đó chiếm lĩnh được thị trường chuyển đổi số trong nước.
Ảnh minh họa. |
Với định hướng khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số nhập cuộc giải các bài toán Việt, Quy chế của Giải thưởng “sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 đã nêu rõ một trong những tiêu chí bắt buộc đối với các sản phẩm, giải pháp dự thi là phải có giá trị thực tế được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số (phải nêu rõ bài toán thực tế nào đã giải quyết và giá trị đem lại).
Và thực tế đã cho thấy tất cả những sản phẩm, giải pháp đạt Giải thưởng năm nay đều đáp ứng tốt tiêu chí này. Mỗi sản phẩm, giải pháp đạt Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” đều được xây dựng với mục đích giải một bài toán cụ thể của Việt Nam.
Các sản phẩm, giải pháp đều đã được ứng dụng nhiều trong thực tiễn và mang lại hiệu quả tốt trong đời sống kinh tế - xã hội, và đặc biệt đều là điển hình cho sản phẩm công nghệ Make in Vietnam, do chính người Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, làm chủ công nghệ.
Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta rất tự tin trong việc giải các bài toán Việt.
Ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên phụ trách công nghệ của Công ty TNHH IoTLink, doanh nghiệp có Nền tảng Bản đồ số Map4D Platform đạt giải Đồng của hạng mục Nền tảng số xuất sắc, chia sẻ: “Bản đồ số là nền tảng của nền tảng cho chuyển đổi số. Với mục tiêu đưa Map4D trở thành nền tảng bản đồ số lớn nhất Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ giải được bài toán về an toàn thông tin, an ninh quốc gia, mọi thứ của Việt Nam cần đặt tại Việt Nam và của người Việt Nam”.
Được biết, Map4D Platform được đánh giá cao nhờ sự khác biệt và tính ứng dụng trong việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, thay vì phải sử dụng nền tảng đặt ở nước ngoài như hiện nay. Map4D đồng thời là nền tảng số hữu hiệu cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó làm chủ nền tảng số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Ông Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Vconnex, doanh nghiệp có sản phẩm Bộ giám sát tiêu thụ điện năng thông minh nằm trong Top 8 của hạng mục Sản phẩm số tiềm năng, cũng cho biết: “Khát vọng của Vconnex là mang công nghệ phục vụ cuộc sống, phục vụ con người. Công nghệ chỉ thật sự hữu ích khi lấy con người làm trung tâm và giảm “nỗi đau” cho đất nước, người dùng. Bộ giám sát tiêu thụ điện năng thông minh Vconnex tuy chỉ là một thiết bị công nghệ nhỏ bé nhưng nếu hàng triệu hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp,… cùng theo dõi và kiểm soát được năng lượng tiêu thụ, điều chỉnh được hành vi sử dụng điện thì sẽ có sức mạnh cộng hưởng rất lớn. Chính sự cộng hưởng này sẽ giúp giải được bài toán năng lượng không chỉ của từng gia đình Việt nói riêng mà còn của toàn đất nước nói chung”.
Bình Minh