Giải pháp nào đưa huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) về đích nông thôn mới?
Ông Lê Minh Thịnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Tường cho biết,Vĩnh Tường là huyện có số xã phải hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nhiều nhất tỉnh với xuất phát điểm thấp: 22/26 xã đạt 5 - 8 tiêu chí; 4/26 xã đạt dưới 5 tiêu chí; trong khi đó, xây dựng NTM đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Để tháo gỡ những khó khăn, trên cơ sở phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", bên cạnh việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ huy động sự đóng góp sức người, sức của trong nhân dân, huyện triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn đầu tư tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn; quan tâm hỗ trợ thực hiện các tiêu chí khó...
Nhờ đó, diện mạo nông thôn ở các địa phương trên địa bàn huyện có sự thay đổi rõ rệt, nhất là hệ thống giao thông từ huyện đến xã đảm bảo đi lại thuận tiện; các công trình thủy lợi được cứng hóa đảm bảo tưới, tiêu; môi trường từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên qua các năm.
Vĩnh Tường nỗ lực xây dựng nông thôn mới |
Thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy hiệu quả từ chủ trương dồn thửa đổi ruộng; triển khai quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, phát triển mạnh các gia trại, trang trại, hạn chế tối đa chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp về nông thôn, gắn hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp với khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản, phục vụ sản xuất; triển khai quyết liệt chương trình mỗi xã 1 sản phẩm.
Những năm gần đây, nhiều xã trên địa bàn huyện phát triển mạnh về chăn nuôi và dịch vụ, thương mại nên kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, địa phương đã quy hoạch được một bãi rác tập trung ở hai thôn Đình và thôn Khoát với diện tích trên 1.000m2. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền để người dân có ý thức vệ sinh chung, lập các tổ thu gom rác tập trung.
Để đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện nhà, huyện Vĩnh Tường sẽ hoàn thiện hạ tầng thiết yếu về bảo vệ môi trường cho các làng nghề, ưu tiên cho thoát nước, thu gom và xử lý nước thải. Đồng thời yêu cầu các xã có làng nghề, hộ chăn nuôi với số lượng lớn phải hoàn thành xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải ra môi trường.
Đồng thời ưu tiên triển khai lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình NTM để phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình xây dựng NTM thì ưu tiên đầu tư tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn; lựa chọn các nội dung tiêu chí thực hiện cần ít vốn làm trước.
Song song với đó tập trung huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, ngân sách huyện, bố trí lồng ghép, huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung xây dựng NTM (ngân sách huyện hỗ trợ 200.000đ/m3 bê tông để làm giao thông nông thôn; 200 triệu đồng/01 nhà văn hóa thôn; 200 triệu đồng/01 xã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng bãi rác thải tạm…).
Nhằm nâng cao chất lượng nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến giai đoạn 2019-2020, Vĩnh Phúc dành khoảng 1.333 tỷ đồng cho các địa phương hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.