Gia nhập APEC - Một quyết định có ý nghĩa chiến lược
Ngày 15/6/1996, Việt Nam gửi đơn bày tỏ nguyện vọng gia nhập APEC và tháng 11/1998 trở thành thành viên chính thức. Việc gia nhập APEC của Việt Nam nhằm làm sâu sắc các mối quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của đất nước, tham gia giải quyết các vấn đề chung của khu vực và tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên APEC đối với các chủ trương chính sách của ta; góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên thế giới, nâng cao nội lực của đất nước, tạo điều kiện tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững.
Lúc này, APEC đã hoạt động được 7 năm, là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hội tụ nhiều nên kinh tế hàng đầu của thế giới và nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực, hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng châu Á Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, tự do hóa thương mại và đầu tư, xúc tiến nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế kĩ thuật, thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng, trong quá trình phát triển, Việt Nam dựa chủ yếu vào hai nguồn lực quan trọng: phát triển thương mại, kể cả ngoại thương và đầy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, mục tiêu Bogor mà APEC đề ra phù hợp với yêu cầu của Việt Nam và Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết trong APEC có liên quan đến thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư.
“Làm như vậy là vừa thực hiện nghĩa vụ đối với khu vực với tư cách là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của diễn đàn,vừa đáp ứng yêu cầu của đất nước trên con đường phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, phát huy những bài học quý báu của 30 năm đổi mới, tận dụng các cơ chế do APEC tạo ra cho khu vực cũng như tận dụng những nguyên tắc và điều kiện thuận lợi dành cho các nền kinh tế đang phát triển như nêu trên, Việt Nam tích cực và chủ động làm sổ sách quan hệ với các thành viên khác trong APEC, tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với đường lối phát triển của Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận thị trường rộng lớn của các nước này và tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững được tạo dựng trong APEC để phát triển; Nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát huy sáng tạo, thể hiện trí tuệ Việt Nam ở kỷ nguyên kĩ thuật số.
Điều đặc biệt quan trọng là qua thực hiện các mục tiêu, các chương trình, kế hoạch và các chủ trương của APEC, Việt Nam đã rút ra kết luận phải ra sức chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế nước mình để phát triển nhanh và bền vững. Cũng trong môi trường APEC Việt Nam có điều kiện đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong quan hệ quốc tế song phương với nhiều cường quốc góp phần hoàn thiện con đường đi lên của đất nước.
Năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức năm APEC với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" nhằm thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế APEC thông qua hợp tác sâu rộng hơn vì lợi ích chung của nhân dân trong khu vực và tăng cường hội nhập trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong tình hình chính trị, kinh tế khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp tuy có thể có cơ hội nhưng đặt lên nhiều thách thức, khắc phục.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, việc Việt Nam trong khoảng thời gian 11 năm đã hai lần đăng cai tổ chức năm tập cách chứng tỏ Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm được các nhà lãnh đạo và các thành viên APEC tín nhiệm và tin cậy.
Năm nay là một năm quan trọng đối với Việt Nam. Qua 28 năm tồn tại và phát triển, APEC đã đạt được những thành tựu quan trọng, đưa châu Á - Thái Bình Dương thành một khu vực phát triển năng động có vị trí chính trị, kinh tế ngày càng quan trọng trên thế giới và Việt Nam.
“Với 19 năm tham gia APEC, Việt Nam đã thể hiện sinh động hình ảnh một đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập khu vực và thế giới đóng góp tích cực vào xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, với tầm nhìn chiến lược về tương lai của châu Á - Thái Bình Dương”, nguyên Phó Thủ tướng khẳng định.