Giá lợn hơi tăng trở lại, người chăn nuôi khấp khởi vui mừng
Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí của trang trại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Với mức giá từ 65.000 – 70.000 đồng như hiện nay, người chăn nuôi bắt đầu có lãi.
Theo Tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng lợn hơi của Việt Nam đạt 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kiểm soát hoàn toàn dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc này không ảnh hưởng đáng kể đến tổng nguồn cung lợn hơi. Việc triển khai tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.
Sau thời gian dài giảm mạnh, giá lợn hơi hiện đã có dấu hiệu đảo chiều khi quý 2 là thời điểm các trường học, nhà máy, nhà hàng và các hoạt động du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn.
Bước sang quý 3/2022, giá lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại một cách rõ rệt hơn vào đầu tháng 7, đạt khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg, tương đương mức tăng từ 10-15% so với đầu năm.
Đáng chú ý, đà tăng giá lợn hơi chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại thời điểm ngày 13/7, giá lợn hơi phổ biến tại các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang đã tăng lên 67.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng so với tuần trước.
Người chăn nuôi khấp khởi vui mừng khi giá lợn hơi tăng trở lại. |
Trong khi đó, giá lợn hơi tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hoà Bình đang phổ biến ở mức giá 69.000 – 70.000 đồng/kg.
Thậm chí, giá lợn hơi chăn thả tự nhiên tại các tỉnh khu vực Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La còn được bán với giá 80.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi vui mừng, nhất là sau giai đoạn giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã thời gian qua.
“Cả một năm qua giá cám tăng cao, dịch bệnh hoành hành, người chăn nuôi điêu đứng. Nay giá tăng một chút thì cũng có thêm hy vọng. Hiện tại không còn cảnh thương lái ép giá như mấy tháng trước, hy vọng giá lợn hơi có thể lên đến 72.000 đồng/kg”, chị Phạm Thị Bình, chủ trang trại chăn nuôi với hơn 600 con lợn tại Hoà Bình cho biết.
Lý giải về đợt tăng giá lợn hơi này, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua với nhiều nguyên nhân, trong đó có đứt gãy hệ thống cung cấp thức ăn chăn nuôi và cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên, tình hình thực tế và dự báo từ các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam thì từ giờ đến cuối năm giá thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì ở mức độ này, không có biến động lớn.
Giá nguyên liệu thô tăng như ngô lên 26%, lúa mì 18% và đậu nành 25% so với đầu năm. Ngoài ra, chi phí thức ăn cũng đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại vì thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi.
Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg. |
Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Với giá lợn hơi chỉ khoảng 39.000 - 55.000 đồng/kg từ quý 3/2021 đến quý 2/2022, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không có lãi.
Dữ liệu của OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn trên đầu người của Việt Nam đã giảm so với thời điểm trước dịch Covid-19, từ 31,4kg/người trong năm 2018 dự báo xuống còn 26,8kg/người trong năm 2022.
Trong khi đó, với tổng số 28,2 triệu con lợn dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn lợn hơi trong năm nay, nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt.
Hiền Anh
Nắng nóng, giá cua đồng tăng từng ngày; giá thịt gia cầm, thịt lợn, trứng cũng 'leo thang'
Không chỉ giá trứng, giá thịt gia cầm, thịt lợn mà giá cua đồng cũng tăng giá…