Giá gà ta, hải sản tăng nhẹ những ngày đầu năm mới
Giá thịt lợn và hoa cây cảnh năm nay thấp hơn so với năm ngoái, trong khi giá thịt bò, gia cầm, thực phẩm tươi sống và các loại gạo tương đối ổn định.
Theo Bộ Công thương, thị trường mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng thịt lợn, sau khi giảm liên tiếp trong năm 2021 đã tăng trở lại trong tháng 1/2022, đặc biệt những ngày cận Tết. Tuy nhiên, mức tăng không cao như dịp Tết Nguyên đán 2020. Giá các mặt hàng thịt lợn tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2021, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 15 - 25%.
Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại phía Bắc từ 56.000 - 59.000 đ/kg, phía Nam 55.000 - 58.000 đ/kg. Giá thịt lợn mông sấn 100.000 - 110.000 đ/kg; thịt nạc thăn 120.000 - 140.000 đ/kg.
Với thịt bò, giá các sản phẩm ổn định suốt cả năm 2021 và bắt đầu tăng nhẹ vào cuối tháng 1/2022 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng. Năm nay, giá thịt bò tăng muộn hơn so với năm trước, tăng từ 26 Tết và ở mức tương đương so với mọi năm do sức mua không cao, phổ biến ở mức khoảng 10 -15% vào ngày sát Tết, nhưng chỉ tương đương với Tết Tân Sửu 2021.
Vào ngày mùng 4 Tết, giá thịt bò thăn, bắp phổ biến ở mức 280.000 - 330.000 đ/kg.
Tương tự, giá các sản phẩm gia cầm cũng ở mức thấp trong suốt năm 2021, bắt đầu tăng trở lại vào tháng 12/2021 và tiếp tục tăng nhẹ đến dịp Tết. Đến ngày mùng 4 Tết, nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều, nhất là hải sản tươi sống nên giá tăng nhẹ so với sát Tết. Hiện giá gà ta làm sẵn khoảng 120.000 - 140.000 đ/kg.
Về thực phẩm tươi sống, do Tết Âm lịch năm nay người dân có nhiều thời gian mua sắm, chuẩn bị, kỳ nghỉ Tết cũng kéo dài hơn năm trước, nên người dân đã tập trung mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Tết từ sớm. Đồng thời tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp Tết không còn.
Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ vào những ngày sát Tết. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, một số siêu thị mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết. Trong khi tại các chợ, nhiều tiểu thương bắt đầu bán các mặt hàng rau xanh, thịt, thủy hải sản với giá bán tương đương so với ngày 28 - 29 Tết.
Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước Tết, sau đó ổn định đến Tết. Giá các loại rau củ quả có xu hướng tương đương so với năm trước, riêng giá các loại rau củ tăng nhẹ so với năm trước do nguồn cung giảm. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc, măng khô...
Về hoa, cây cảnh, năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng. Giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại vào thời điểm sát Tết, một phần do thu nhập của người dân giảm. Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 5 - 10%.
Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm và khó khăn do dịch Covid-19 nên nhiều nhà vườn giảm quy mô. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm 5 - 10% với cùng kỳ năm trước.
Về các loại gạo, theo báo cáo của sở công thương các tỉnh, thành phố, năm nay, nhu cầu gạo vẫn tập trung chủ yếu đối với các loại gạo tẻ chất lượng cao như ST 24, ST 25, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công... và gạo nếp.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên người tiêu dùng có xu hướng tiết giảm chi tiêu, sức mua không tăng mạnh như cùng kỳ hàng năm, chủ yếu tập trung vào những ngày cận Tết, đặc biệt từ sau ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch). Nhìn chung, giá các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm trước.
Giá các loại gạo trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần diễn biến như sau: Giá các loại gạo tẻ thường nhìn chung ổn định, loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai, ST 24, ST 25... tăng nhẹ so với tháng trước và tăng khoảng 1.000 – 2.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại gạo tẻ thường phổ biến ở mức từ 10.000 - 14.000 đ/kg; gạo tẻ chất lượng cao từ 18.000 - 42.000 đ/kg; gạp nếp từ 25.000 - 35.000 đ/kg.
Theo nongnghiep.vn