Nhìn vụ nam sinh nhảy lầu tự tử, tôi nhớ từng trốn nhà qua đêm nhưng may mắn còn một cửa... bạn thân
Giờ đây là người trưởng thành, ngẫm lại mới thấy ở độ tuổi dậy thì, ngoài việc phát triển về thể chất thì tôi có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý mà bản thân không nhận ra.
Hồi học tiểu học tôi được đánh giá là cậu bé ngoan ngoãn và biết cách cư xử. Cũng phải thôi vì khi bố mẹ những đứa bạn của tôi đang vất vả với đồng ruộng thì gia đình tôi khá giả hơn, bố tôi làm kỹ sư còn mẹ tôi là kế toán cho doanh nghiệp nên tôi luôn lớn lên trong khuôn mẫu của một gia đình có học.
Nhìn bọn bạn cùng tuổi tha hồ ra đồng bắt cua, đào cáy, quần áo đầy bùn đất mà tôi thèm thuồng, nhiều lần xin mẹ được đi cùng bọn nó nhưng mẹ tôi đều cấm mà bắt tôi ở nhà học bài, cứ hễ được điểm cao là mẹ lại thưởng cho tôi món đồ tôi thích.
Ảnh minh họa |
Bình thường bố mẹ tôi đều làm ở trung tâm huyện, đi từ sáng đến tối mới về. Ngoài thời gian ở trường thì tôi về nhà ông bà ăn cơm, học bài, đến khi nào mẹ về sẽ qua đón.
Tôi còn nhớ hồi ấy đang nắng tháng 6 bỏng rát, tôi học lớp 7. Như thường lệ, cứ buổi chiều không có tiết học là mấy đứa bạn trong xóm í ới nhau ra đồng mò cua, vậy là nhân lúc ông bà ngủ trưa tôi đã viết 1 tờ giấy để trên bàn với nội dung là tôi đi chơi chiều sẽ về để ông bà không lo lắng.
Thế là mặc cho những cấm đoán trước đây của mẹ, tôi lân la theo bọn bạn cùng lớp ra đồng. Tôi sung sướng được dầm bùn bắt cua, bắt cá, mặc kệ cho bộ quần áo trên người lấm lem.
Chiến lợi phẩm hôm ấy của tôi là mấy con cua to kềnh. Tôi còn chắc mẩm tối mẹ về sẽ được một bữa ngon.
Ấy vậy mà khi tôi vừa hí hứng mang mấy con cua về nhà ông bà thì gặp mẹ đã ngồi sẵn ngoài sân. Tôi mặt đỏ tía tai, quần áo toàn bùn dất, còn chưa kịp khoe mấy con cua thì mẹ đã cầm chúng ném xuống đất, một chân mẹ còn giẫm nát bét con cua.
Mẹ quát tôi rằng mẹ vất vả nuôi tôi ăn học để tôi thành tài chứ không phải học theo đám trẻ trong làng đi nghịch bẩn, đi đày nắng vì những trò đó chỉ những đứa thất học mới làm.
Những lời nói và hành động của mẹ lúc ấy thực sự khiến tôi tổn thương. Tôi cứ nghĩ rằng mình mang đám cua về thì mẹ vui lắm nhưng hành động của mẹ cho thấy mẹ không hề hiểu tôi, lúc nào mẹ cũng muốn tôi làm theo ý mẹ.
Tức giận, khóc lóc và trách móc mẹ một lúc, tôi đã chạy khỏi nhà ông bà với bộ quần áo lấm lem như vậy.
Đi loanh quanh một lúc, chẳng dám đi đâu xa trong bộ quần áo đầy bùn nên tôi chạy sang nhà đứa bạn cùng lớp. Cũng may bố mẹ nó chưa đi làm về nên tôi tắm vội bên nhà nó rồi mượn tạm bộ quần áo của nó mặc. Tôi cũng không quên dặn nó không được nói với ai việc tôi trốn ở nhà nó.
Hai đứa cùng đói nên nó đưa tôi bát cơm nguội vét vội với ít nước mắm, hai đứa cùng ăn ngon như chưa từng được ăn món nào ngon đến thế.
Vì chưa nguôi giận mẹ nên đêm đó tôi trốn ở nhà đứa bạn thân để cả nhà nháo nhào đi tìm. Tôi muốn biết xem có ai thương tôi không.
Sáng hôm sau là Chủ nhật không phải đi học nên tôi và đứa bạn gác chân lên nhau ngủ. Đang ngủ thì giật mình thấy tiếng mẹ òa khóc rồi mẹ ôm chặt lấy tôi.
Hóa ra, buổi sáng trước khi đi làm mẹ của đứa bạn đã phát hiện ra tôi ngủ ở nhà cô ấy nên đã báo cho mẹ tôi.
Kể từ trận tôi trốn sang nhà bạn lánh tạm ấy, mẹ cũng hiểu tôi hơn. Đến giờ tôi vẫn thấy mình thật may mắn vì có nhà thằng bạn để trốn thay vì nghĩ đến việc bỏ đi bụi hay kết liễu cuộc đời như một số em học sinh hiện nay khi rơi vào trầm cảm sau những tranh cãi vụn vặt với bố mẹ hoặc áp lực học hành.
Qua trải nghiệm của bản thân hồi nhỏ, tôi cũng tự dặn mình phải khéo léo trong việc nuôi dạy 2 con trai của mình. Hiện giờ các con đã vào trung học nhưng ngay từ lúc các con chập chững tới trường tôi đã luôn gián tiếp tạo điều kiện, thúc đẩy con kết bạn thân. Bởi vì tôi biết người bạn sẽ là nơi chia sẻ mọi tâm tư của con một cách vô tư nhất, giúp con giải tỏa những áp lực kịp thời để không dồn nén thành suy nghĩ tiêu cực.
Bạn đọc Nhật Quang
'Cuộc đời bố mẹ chính là bài học sinh động nhất giúp con vượt khó, đối diện cạm bẫy'
Trong quá trình trưởng thành, mỗi đứa trẻ sẽ nhiều cơ hội để phát triển nhưng khi không có bố mẹ ở bên, đường đời cũng có thể xuất hiện làn sóng dữ nhấn chìm tương lai nếu các con không biết cách thích ứng.