Giá cổ phiếu tăng vọt trong 2 tuần, Bầu Đức có thêm nghìn tỷ
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, cổ phiếu HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt mức giá 9.110 đồng/cp. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng gần đây, kể từ giữa tháng 11, giá cổ phiếu HAG đã tăng thêm 43,6% sau chuỗi những phiên giảm sàn liên tiếp. Trước đó, HAG mất tới 57% thị giá chỉ trong vòng hơn 1 tháng khiến giá cổ phiếu xuống đáy 5.900 đồng/cp.
Trước thực trạng giá cổ phiếu liên tục giảm sâu, Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức đã công bố kế hoạch mời các cổ đông sở hữu số lượng trên 500.000 cổ phiếu và đại diện các nhóm cổ đông nhỏ lẻ thăm quan các dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Việt Nam, Lào, và Campuchia vào giữa tháng 12, dự kiến khoảng 40 người.
Lý giải cho việc giá cổ phiếu liên tục giảm sâu trước đó, bầu Đức cho rằng nguyên nhân là do thị trường chứng khoán đã bị khủng hoảng niềm tin, do cung cầu của thị trường, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
HAG mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2022 với doanh thu 467 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 3.650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.001 tỷ đồng.
Bầu Đức hiện đang là cổ đông lớn nhất tại HAG với tỷ lệ sở hữu lên đến 34,50%. Chỉ trong khoảng nửa tháng trở lại đây, tính từ phiên giao dịch 15/11, giá trị cổ phiếu HAG do Bầu Đức nắm giữ đã tăng thêm 1.007 tỷ đồng, đạt mức 2.914 tỷ đồng.
Không chỉ HAG, một mã cổ phiếu “bỗng lớn nhanh như thổi” trong khoảng 2 tuần gần đây là L14 của CTCP Licogi 14. Điều trùng hợp là thời gian L14 chấm dứt chuỗi những phiên giảm sàn để tăng giá trở lại cũng sau phiên 15/11. Thậm chí, L14 còn trở nên ấn tượng hơn khi tăng trần cả 13 phiên liên tiếp từ đó đến nay.
Chuỗi những phiên tăng trần này giúp cho L14 tăng thêm 240% về giá, đạt 62.200 đồng/cp. Giải trình về chuỗi những phiên tăng trần liên tiếp, CTCP Licogi 14 cho biết, công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bình thường, không có biến động đặc biệt nào trong hoạt động. Việc cổ phiếu tăng trần là nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, do cung cầu của thị trường chứng khoán, việc mua bán cổ phiếu do nhà đầu tư quyết định, phụ thuộc vào tâm lý, cảm xúc trong từng giai đoạn của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, diễn biến giá gần đây của L14 khiến người ta không thể không nhắc đến ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Thành viên HĐQT L14, người được mệnh danh là “Thầy A7” hay "nhà đầu tư 1970" – Ông Tuấn trước đó được biết đến với việc “lăng xê” một loạt cổ phiếu như L14, CEO, DIG,… biến những cổ phiếu ít ai biết đến trở thành “siêu cổ phiếu” nhờ màn lột xác ngoạn mục về giá. Thậm chí L14 từng đạt mức giá kỷ lục 416.000 đồng/cp.
Sau khi mua bán cổ phiếu L14, ông Tuấn hiện chỉ còn sở hữu 0,59% cổ phần tại doanh nghiệp này. Trong khi đó, chị gái ông Tuấn là bà Nguyễn Thuý Ngư cũng vừa đăng ký bán 705.695 cổ phiếu L14. Nếu giao dịch thành công, bà Ngư sẽ giảm lượng cổ phiếu nắm giữ tại L14 xuống còn 829.339 cổ phiếu, tương đương 2,69% vốn điều lệ Licogi 14.
Một mã cổ phiếu khác cũng vừa trải qua giai đoạn tăng giá ngoạn mục sau ngày 15/11 là CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O. Trong 13 phiên gần nhất, CEO tăng trần 12 phiên, kéo giá cổ phiếu này tăng 171% lên 22.000 đồng/cp. Tất nhiên mức giá này vẫn thấp hơn 76% so với hồi đầu năm 2022.
Ngoài những mã trên, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư phát triển Xây dựng cũng đã tăng 79% về giá kể từ sau ngày 15/11.
Mặc dù bật tăng trong khoảng 2 tuần trở lại đây, nhưng so với mức giá hồi đầu năm, các cổ phiếu trên đã mất giá đáng kể. Với trường hợp DIG, giá cổ phiếu này đã giảm 79% kể từ đầu năm đến nay.
Hiền Anh