Giá chung cư 'nhảy múa', chênh cả tỷ đồng sau 1 tháng rao bán
Đang có nhu cầu mua một căn hộ tại chung cư Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Vân Anh cho biết được môi giới tên Hương, giới thiệu căn diện tích 89m2, gồm 3 phòng ngủ và 2 vệ sinh, giá bán 4,35 tỷ đồng. Qua tìm hiểu, chị Vân Anh phát hiện, cũng căn hộ này hai môi giới khác đưa ra 2 giá khác, một người thấp hơn 50 triệu đồng, người kia lại cao hơn 20 triệu đồng.
Môi giới tên Hương giải thích với chị rằng, giá rao bán giữa các "cò" chênh lệch vài chục triệu đồng là điều dễ hiểu. Trong tầm giá này người mua có thể thương lượng, thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, mua từ nhà đầu tư giá sẽ “chát” và khó thương lượng hơn so với mua trực tiếp từ chủ nhà.
Theo môi giới này, chỉ trong vòng một tháng, giá chung cư tại khu vực Mỹ Đình tăng từ 50-100 triệu đồng/căn.
Thế nhưng, con số trên chưa thấm vào đâu, nhất là so với những căn hộ có diện tích vừa phải, được cho hợp túi tiền hơn với những gia đình trẻ.
Cũng có nhu cầu mua nhà, chị Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 8, chị hỏi mua một căn chung cư rộng 72m2, gồm 2 phòng ngủ trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Môi giới rao bán 3,1 tỷ đồng, tương đương khoảng 43 triệu đồng/m2. Khi tới xem, chị thấy căn hộ này mới có nội thất cơ bản.
Đầu tháng 9, vẫn căn hộ đó môi giới chào giá 3,9 tỷ đồng, tăng 800 triệu đồng chỉ sau một tháng. Môi giới lý giải, căn hộ tầng trung, dự án sát mặt đường lớn, cạnh tàu điện trên cao, cộng thêm việc chủ nhà đầu tư thêm nội thất, việc tăng 800 triệu đồng là "điều bình thường".
Trường hợp khác là vợ chồng chị Duyên (Cầu Giấy, Hà Nội), muốn mua căn hộ tại chung cư Bắc Từ Liêm, diện tích 72,5m2, gồm 2 phòng ngủ, ban công hướng nam và tầng thấp.
Ngày 5/8, môi giới dẫn vợ chồng chị tới xem một căn hộ có giá 4,5 tỷ đồng. Thấy giá khá cao, vợ chồng chưa chốt, cần thời gian suy nghĩ thêm. Chỉ nửa tháng sau, môi giới nhắn tin thông báo, giá căn hộ này tăng lên 4,9 tỷ đồng, tương đương gần 68 triệu đồng/m2.
"Một tháng sau, vợ chồng tôi hỏi lại môi giới, giá căn hộ đó được báo lên tới 5,5 tỷ đồng, tức chỉ sau một tháng môi giới hét tăng tới 1 tỷ đồng”, chị Duyên nói.
Anh Tuân (cư dân chung cư An Bình, Bắc Từ Liêm) chia sẻ, đầu tháng 7/2024, anh tham khảo định mua thêm một căn diện tích 112m2 cùng tòa, môi giới rao 6,5 tỷ đồng. Thấy giá quá cao, vợ chồng anh quyết định chưa mua để tìm hiểu thêm, nhất là tìm được chính chủ.
“Cuối tuần vừa rồi hỏi hàng xóm, tôi mới biết căn đó đã bán với giá 7,4 tỷ đồng. Sau 2 tháng, giá căn hộ tăng 1 tỷ đồng”, anh nói.
Tuy nhiên, theo anh Chung, một cư dân cùng toà với anh Tuân có nhiều kinh nghiệm mua bán nhà, đây chỉ là “bài vở” của môi giới, nhất là với những khách hàng không có tiềm năng. Một thời gian sau hỏi lại, môi giới sẽ báo căn hộ đó đã bán hoặc tăng giá. Mục đích chính của môi giới nhằm tạo lập mặt bằng giá mới, tạo cảm giác khan hiếm, tiếc nuối cho khách hàng.
Theo khảo sát, không chỉ môi giới, nhiều chủ nhà khi thấy giá chung cư tăng cũng đẩy giá rao bán căn hộ lên cao, khiến cho người có nhu cầu mua thực chưa thể đàm phán được. Điều này khiến cho thị trường căn hộ tăng giá ảo.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home, cho biết một năm qua, giá chung cư ở Hà Nội thiết lập mặt bằng mới, tương đồng với TPHCM. Đối với nhiều người, sự tăng giá này thực sự là “cú sốc” vì chỉ trong thời gian ngắn, không hiếm những căn hộ giá đã tăng gần gấp đôi.
“Nhưng cũng có nhiều trường hợp té nước theo mưa. Các môi giới bất động sản liên kết để đẩy giá cục bộ, bất chấp nhu cầu thực và số lượng giao dịch tại đó không có nhiều, khiến khách hàng theo tâm lý đám đông bị sập bẫy và mua chỉ vì sợ tăng giá tiếp”, ông Nam cảnh báo.