Gia cảnh éo le của hai nạn nhân bị chủ quán bánh xèo hành hạ dã man ở Bắc Ninh
Sinh ra, lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, đứt gánh con chữ giữa chừng, D. và Đ. phải khăn gói rời quê hương Quảng Ngãi ra Bắc Ninh giúp việc cho quán bánh xèo, nhưng bị chủ quán đánh đập dã man.
Sáng 24/11, phóng viên Tiền Phong tìm đến gia đình của T.Q.D. (15 tuổi, trú thôn Thuận Hòa, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành) và V.V.Đ. (21 tuổi, trú thôn Phú Mỹ, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa) - hai nạn nhân bị chủ quán bánh xèo Miền Trung (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bạo hành, đánh đập dã man.
Trong nhà D., thân nhân, hàng xóm của gia đình em hỏi han, an ủi, động viên. Cha của em D., ông Trương Quang Thái (53 tuổi), ngồi bất động. Lâu lâu, người đàn ông gầy nhom lại ôm đầu, mệt mỏi gục xuống ở đầu giường. Chị Nguyễn Thị Liên, người cùng thôn Thuận Hòa, nói rằng, D. hiền lành, chưa từng làm mất lòng ai trong xóm.
Ông Trương Quang Thái mắc bệnh tâm thần |
Hoàn cảnh gia đình D. rất khó khăn nên em bỏ học sớm, rồi theo anh ra Bắc Ninh làm ở quán bánh xèo có chủ cùng quê Quảng Ngãi. “Mấy hôm nay xem thời sự mà thấy thương thằng nhỏ. Tội thằng nhỏ đi kiếm tiền lo cho cha bị bệnh mà họ lại nỡ nào hành hạ, đánh đập dã man như vậy. Là con người với nhau mà tra tấn như thời Trung cổ, thật là hết tính người”, chị Liên bức xúc.
Ông Trương Quang Minh, cậu của ông Thái, cho biết, từ khi biết chuyện D. bị chủ hành hạ, ông Thái tỏ ra rất buồn bã, không ăn gì. Ai hỏi han gì ông Thái cũng chỉ lặng im rồi thẫn thờ nằm ở đầu giường. “Tôi rất lo lắng đến sức khỏe của ông Thái, cha của thằng D., lo sợ nó nghe tin con bị đánh đập sẽ kích động mạnh, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”, ông Minh nói.
Ông Minh cho hay, vợ chồng ông Thái có 3 con, D. là con trai út. Năm D. lên 8 tuổi, mẹ em qua đời. Kể từ ngày đó, căn bệnh tâm thần của ông Thái chuyển biến xấu hơn, không thể kiểm soát hành vi.
“Những năm trước, khi tinh thần còn tỉnh táo ông Thái còn đi làm rẫy thuê trên Tây Nguyên, vài ba tháng mới về nhà một lần. Từ khi vợ mất, anh ấy đổ bệnh nặng hơn, thế là 3 đứa con đều nghỉ học, lần lượt dắt nhau tha hương để kiếm tiền lo thuốc men, ăn uống cho cha. Anh trai và chị gái của D. cũng ra ngoài Bắc Ninh làm cho quán bánh xèo đó được 3 năm. Còn thằng D. mới ra hồi tháng 9 vừa rồi. Trước khi ra Bắc Ninh mần, thằng D. nói với tui rằng, nó đi làm kiếm tiền về lo cho cha và còn nhờ tui chăm sóc, giúp đỡ cha nó”, ông Minh kể.
“Hôm qua xem hình ảnh cháu mình toàn thân bị thương tích trên các mặt báo, tôi như đứt từng đoạn ruột. Cháu nó còn nhỏ, có gì không đúng thì người lớn dạy dỗ nó, nếu không dạy dỗ được thì đuổi việc, chứ không thể đánh đập như vậy được. Là con người với nhau, cũng lại là người cùng quê hương Quảng Ngãi xa quê để mưu sinh, đùm bọc nhau không hết, nỡ lòng nào mà đối xử như thế. Tội cho thằng nhỏ, giờ chỉ mong sức khỏe cháu hồi phục để sớm về quê”, ông nói.
Trên người em D. rất nhiều vết thương. (Ảnh: Hải Việt) |
Thẫn thờ, mong ngóng
Cách nhà của D. không xa là ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ, tuềnh toàng nằm sâu trong hẻm nhỏ. Đó là nơi Đ. sống cùng bà ngoại Bùi Thị Tòa (73 tuổi). Bà Tòa trông như người mất hồn, ngồi lặng lẽ bên hiên nhà chờ tin cháu.
“Sáng nay, tôi ra chợ mua rau và được mọi người thông tin là thằng cháu của mình bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh hành hạ. Nghe xong, tôi rụng rời chân tay, lật đật chạy về nhờ hàng xóm gọi điện cho má thằng Đ. Dì của Đ. cũng đã ra ngoài đó coi tình hình cháu thế nào”, bà Tòa kể.
Bà Tòa nghẹn ngào kể, hơn 20 năm trước, chị Võ Thị Thái Diệu (mẹ ruột của Đ.) gặp và nảy sinh tình cảm với một người đàn ông cùng quê. Cả hai không đăng ký kết hôn, ăn ở với nhau rồi sinh ra Đ. Cha Đ. không nhận con nên mẹ Đ. phải tự xoay xở nuôi con và mang tiếng “không chồng mà có con”.
“Ngày thằng bé tròn 1 tuổi, mẹ nó phải lặn lội vào Nam để tìm việc làm kiếm tiền gửi về cho tôi nuôi cháu. Nhiều năm kế tiếp, tôi phụ nó bốc vác gạch để kiếm thêm thu nhập sắm sách vở cho cháu tới trường. Đến đầu năm 2012, chuẩn bị lên lớp 8, cháu Đ. cũng xin nghỉ học vào Nam cùng mẹ, cho dù 7 năm liền, cháu Đ. luôn đạt danh hiệu học sinh khá. Tuy nghỉ học sớm nhưng tính tình Đ. rất hiền, hàng xóm ai cũng quý. Tiền kiếm được cháu Đ. gửi về lo cho tôi, một phần tích góp để sau này lập gia đình”, bà Tòa kể trong nước mắt.
Bà Bùi Thị Tòa ngồi thẫn thờ trước nhà mong tin cháu. |
Đến đầu năm 2019, qua giới thiệu từ người quen, Đ. quyết định ra Bắc Ninh để phụ việc ở quán bánh xèo của chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết. “Trong năm đầu ra Bắc Ninh làm việc ở quán của Tuyết, thỉnh thoảng thằng Đ. còn gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của tôi. Nhưng từ đầu năm cho đến nay nó “bặt vô âm tín” luôn. Mẹ với cậu nó có điện thoại cho nó nhưng vẫn không được. Điện cho chủ quán thì họ kêu thằng nhỏ đang làm, đang bận. Có mấy lần điện qua số đứa bạn làm chung mới gặp được cháu, nhưng nó cũng chỉ nói được vài câu rồi nó nói con vẫn khỏe và bảo đang bận nên tắt máy”, bà Tòa nhớ lại.
“Giờ tôi mới biết không phải vậy, nó không có bận, chỉ vì nó sợ bị chủ đánh nên không điện về hỏi han gia đình. Chủ quán bánh xèo đó, nhà ở cách nhà tôi có mấy trăm mét, tình làng nghĩa xóm ở đâu mà lại đối xử với thằng nhỏ như thế? Thằng Đ. thương tôi lắm. Giờ chỉ mong sao thấy cháu lành lặn mà trở về là được rồi, tôi không cần gì cả”, bà Tòa bật khóc.
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, cho biết, Đ. có hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn tình cảm cha mẹ, phải nghỉ học từ sớm. Ở địa phương, Đ. sống rất hòa đồng và siêng năng trong công việc. Theo ông Binh, chủ quán bánh xèo Nguyễn Thị Ánh Tuyết là người từng sống cùng thôn với Đ. Sau đó, Tuyết lấy chồng rồi đi làm ăn ở nhiều nơi, rất ít khi về địa phương.
“Sau khi nghe thông tin báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã đến nắm tình hình, đồng thời động viên bà ngoại của cháu Đ.”, ông Binh nói.
Chiều 24/11, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi thăm hỏi và trao hỗ trợ cho gia đình cháu D. Đây là đơn vị đầu tiên ở Quảng Ngãi đến trao hỗ trợ cho gia đình cháu. Bí thư Tỉnh Đoàn Đặng Minh Thảo bày tỏ với người thân của D., sau khi cháu được đưa về nhà, trong khả năng cho phép, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi sẽ trợ giúp để cháu ổn định tinh thần, đi học trở lại (nếu gia đình và D. đồng ý).
Theo tienphong.vn
Vụ tra tấn 2 nhân viên ở Bắc Ninh: Sao nữ chủ quán bánh xèo có thể ác độc đến vậy?
Nếu chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh để các em ăn no, cho các em một phần lương đủ tiêu vặt hàng tháng thì chắc có lẽ sự việc không bị đẩy xa đến đến nhường này.
4 giờ tháo chạy khỏi "địa ngục trần gian" của bé trai làm ở quán bánh xèo
Em Trương Quang D (SN 2006, ở Thuận Hoà, Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) - nạn nhân bị chủ quán bánh xèo (trên địa bàn khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) tra tấn dã man từng muốn bỏ trốn nhưng không thể.