Vụ tra tấn 2 nhân viên ở Bắc Ninh: Sao nữ chủ quán bánh xèo có thể ác độc đến vậy?
Nếu chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh để các em ăn no, cho các em một phần lương đủ tiêu vặt hàng tháng thì chắc có lẽ sự việc không bị đẩy xa đến đến nhường này.
Nạn nhân vụ ngược đãi người làm ở quán bánh xèo tại Bắc Ninh. (ảnh: Lao động) |
Dư luận hiện rất bất bình trước vụ việc 2 nhân viên Trương Quang D (SN 2005) và Võ Văn Đ (SN 1999) thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi bị chủ quán bánh xèo ở Bắc Ninh ngược đãi, đánh đập trong suốt nhiều tháng qua.
Trong đó, em Võ Văn Đ được người hàng xóm (cùng quê) đón ra làm tại quán Bánh xèo miền Trung nhãn hiệu cô Hiền, địa chỉ tại Ấp Đồn- huyện Yên Phong- tỉnh Bắc Ninh vào đầu năm 2020.
Công việc của Đ tại quán bánh xèo là phục vụ từ nấu nướng, quét dọn, rửa bát và được hứa trả lương. Tuy nhiên theo lời Đ, gần 1 năm nay em không được phép liên lạc với gia đình, không được nhận lương hàng tháng, sống như ngục tù khi bị đày ải, bị bỏ đói nhiều ngày và bị đánh đập thậm tệ.
Đ phải làm việc quần quật từ 6h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau, khi nào hết việc mới được đi ngủ. Đ bảo thường xuyên bị bỏ đói: "Có khi đói quá, em ăn vụng một miếng, là bà chủ đánh em luôn".
Vật dụng được bà chủ dùng làm “hung khí” đánh Đ gồm chày giã tiêu, bàn chải đinh – dùng đánh vảy cá.
Ác độc hơn, theo lời Đ, do bị bỏ đói nhiều ngày, một hôm đói quá Đ lấy một ít tương ớt để ăn thì bị bà chủ cầm dao chém vào tay, bạn cùng làm phải đưa đi viện khâu. Ngoài ra, hàm răng của Đ bị xô lệch bất thường, nhiều răng bị gãy, vỡ chỉ còn lại từng phần, môi trên có vết rách lớn, trên cổ tay phải của Đ có vết thương khá nghiêm trọng.
Không chỉ có Đ tố bà chủ quán bánh xèo đánh đập, ngược đãi mình, D là người cùng quê, cùng đi với Đ ra Bắc Ninh làm chung quán cũng thừa nhận bản thân bị đánh đập, chửi bới thậm tệ khi làm công việc chạy bàn, bưng bê tại đây.
Theo lời khai ban đầu của chủ quán bánh xèo, một trong những lý do chị ta tra tấn, đánh đập 2 nhân viên là vì ăn vụng, lấy trộm tiền.
Đọc những lý do bà chủ quán biện minh cho hành động bạo lực ác độc trên, tôi không khỏi xót xa cho thân phận của hai nhân viên làm thuê.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý một chuỗi các nhà hàng, tôi nghĩ rằng, hành động ăn vụng, trộm tiền của các em (nếu có) có thể chỉ là hệ quả của một quá trình bị bỏ đói và túng thiếu. Nếu chủ quán để các em ăn no, cho các em một phần lương đủ tiêu vặt hàng tháng, đối xử với các em như một lao động thực thụ chứ không phải “người ở” thì chắc chắn sự việc không bị đẩy xa đến tận cùng của độc ác đến nhường này.
Hoặc giả như, nếu đã làm hết cách mà thói ăn trộm tiền, tật ăn vụng đồ của những nhân viên này không thay đổi thì vẫn có cách ứng xử nhân văn hơn rất nhiều. Chỉ cần một cuộc điện thoại báo với gia đình, thêm một chút tiền lộ phí, chủ quán ngay lập tức có thể gửi trả các em về lại gia đình. Việc đơn giản thế sao không thực hiện mà lại tháng ngày chửi bới, đánh đập và tra tấn dã man như vậy?
Dẫu tôi cố gắng đặt mình vào địa vị của một người chủ với mục tiêu cao nhất là lợi nhuận thì vẫn không thể nào biện minh cho hành vi giẫm đạp lên tình người, đạo đức để xuống tay đối với đồng loại như người nữ chủ quán này.
Nhìn những vết thương cũ mới trên người 2 em nhân viên, nhất là em trai mới 15 tuổi, những người thân của các em ở quê hẳn là còn đau xót gấp bội phần. Bố mẹ nào cũng mong con có công việc ổn định, nuôi sống được bản thân, tiết kiệm phần nào… nhưng hơn hết thảy là mong con khoẻ mạnh, mỗi ngày thêm trưởng thành.
Nếu biết con tàn tạ vì sống kiếp làm thuê bị đối xử như “địa ngục trần gian” thì có đói, có nghèo cũng không bố mẹ nào để con phải hứng chịu.
Bạn đọc Mai Thanh
“Cục đang theo dõi sát sao, có vấn đề gì sẽ hướng dẫn”, ông Nam nói và cho biết sẽ “đôn đốc” địa phương giải quyết triệt để trên tinh thần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của trẻ.