Thị trường giảm điểm 3 tuần liên tiếp, có nên xuống tiền tích luỹ cổ phiếu?
Mặc dù Vn-Index giảm nhẹ trong phiên 14/9, tuy nhiên áp lực bán gia tăng trong phiên đảo danh mục ETF cuối tuần đã khiến cho chỉ số Vn-Index giảm điểm tuần thứ 3 liên tiếp xuống mốc 1.234,03 điểm, tương ứng mức giảm 1,18%. Chỉ số HNX-Index chốt tuần tại 272,88 điểm, giảm tới 4,13% còn Upcom-Index là 89,46 điểm, giảm 1,3%.
Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 75.057 tỷ đồng, trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, giảm 15,5% so với tuần trước.
Khối lượng giao dịch tại sàn HOSE giảm 19,4% và giá trị giao dịch giảm 15,4%, tại HNX khối lượng giao dịch giảm 15,1% và giá trị giao dịch giảm 7,8%. Trên sàn Upcom cả khối lương giao dịch và giá trị giao dịch cùng giảm mạnh lần lượt 50% và 29,3%.
Với mức giảm điểm trên cả hai sàn trong tuần qua, toàn bộ các nhóm ngành đều có mức sụt giảm. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất (2,1% giá trị vốn hóa) với các mã tiêu biểu như HPG của Tập đoàn Hoà Phát (-3,36%), HSG của Tập đoàn Hoa Sen (-4,18%), NKG của Tập đoàn Nam Kim (-3,48%)... Trong đó, HPG và HSG trong kì review ETF phiên cuối tuần đã bị bán ra lần lượt 7,8 và 5,6 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng có mức giảm 1,7% giá trị vốn hóa với các mã tiêu biểu như TCB của Techcombank (-4,4%), BID của BIDV (-4,1%), CTG của VietinBank (-2,4%), VPB của VPBank (-4,1%), ACB (-3,5%), SHB (-4,2%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 1,2% với các mã tiêu biểu như BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn (-2,7%), OIL của PV Oil (-1,9%), PLX của Petrolimex (-2,6%)...
BID của BIDV, VIC của Vingroup và TCB của Techcombank là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lần lượt lấy đi 1,92; 1,83 và 1,47 điểm của VN-Index. Ở chiều ngược lại, BCM của Becamex, VCB của Vietcombank và VRE của Vincom Retail là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index trong tuần qua, đóng góp lần lượt 2,15; 1,43 và 1,39 điểm.
Như vậy, VN-Index tạo đáy tại vùng 1.140 điểm trong tháng 7, phục hồi trong tháng 8 và trong tháng 9 lại điều chỉnh. Với vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.200-1.225 điểm, các ngưỡng kháng cự quan trọng là vùng 1.250 - 1.260 điểm.
Điểm tích cực là lực cầu ngắn hạn vẫn gia tăng ở các mã nhóm đầu tư công, năng lượng, lương thực. Nhận định thị trường trong dài hạn, Công ty chứng khoán SHS cho rằng thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý 3/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện để xem xét gia tăng thêm tỉ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn phải đối mặt với sự kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro ở phía trước như cuộc họp chính sách tiền tệ của FOMC và áp lực tỷ giá trong nước, BVSC cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong những phiên đầu tuần tới. Thị trường có thể sẽ có diễn biến cân bằng hơn và hồi phục dần về cuối tuần.
Theo BVSC, nhà đầu tư nói chung tiếp tục giữ vị thế quan sát trong tuần tới để theo dõi phản ứng của thị trường với quyết định lãi suất của FED. Các hoạt động mua tích lũy chỉ thực hiện ở các nhịp thị trường rung lắc mạnh.
Còn SSI cho rằng, VN-Index sẽ kiểm lại vùng hỗ trợ gần 1.230 điểm ngay trong phiên đầu tuần. Nếu hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ này, VN-Index sẽ có cơ hội hướng về khu vực 1.250 điểm. Tuy nhiên nếu không duy trì trên ngưỡng 1.230 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng 1.220 – 1.200 điểm.
Cùng quan điểm, BSC nhận định tuần tới VN-Index vẫn sẽ giằng co tại ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 1.230 điểm, hoặc có thể sẽ tiếp tục lùi xuống vùng 1.220 điểm.
Ngân Giang