Đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội tại Đắk Lắk
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số và kết hợp, hội tụ nhiều công nghệ, dẫn đến sự thay đổi chưa từng có trong mô hình phát triển kinh tế, cũng như trong đời sống xã hội.
“Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Đắk Lắk đã xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội”, ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk nói.
Thực tế hiện nay, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, du lịch. Tuy nhiên, với các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, chế biến, chế tạo thì mức độ sẵn sàng chuyển đổi số còn thấp.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trương Hoài Anh, chuyển đổi số chính là việc ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động, được thực hiện trong thời đại bùng nổ về công nghệ trên nền tảng của hệ thống Internet mạnh mẽ, chính vì vậy đòi hỏi trình độ rất cao cả về kỹ thuật cũng như nhân lực.
Muốn thực hiện chuyển đổi số thành công, cần có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin gồm cả phần cứng và phần mềm phù hợp. Vì vậy, việc sở hữu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh trong ngắn hạn cũng như về mặt lâu dài.
Cũng theo ông Trương Hoài Anh, năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đưa ra một số khuyến nghị.
Trước hết, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số, song đây cũng đang là một khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết để nâng cao năng suất lao động. Đồng thời cũng cần coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi từ nhận thức đến chiến lược, nhân lực, cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ. Đây là công cuộc đòi hỏi nguồn đầu tư lớn về cả tài chính và nhân lực, trong khi chưa chắc chắn về hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với nguy cơ thất bại.
Muốn giảm đầu tư, tăng hiệu quả, doanh nghiệp nên lựa chọn các nền tảng số xuất sắc trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế để xem xét, ứng dụng.
Mặt khác, để phát triển kinh tế trong thời đại số, người dân, doanh nghiệp nên tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng ngành/lĩnh vực. Sàn giao dịch nông sản tỉnh Đắk Lắk là một trong những lựa chọn có thể giúp người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tìm kiếm thị trường, chào bán sản phẩm trực tuyến, qua đó tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Ngoài ra, người dân cũng nên ứng dụng chữ ký số, kê khai bảo hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử…, qua đó góp phần thúc đẩy xã hội số, kinh tế số.
Hà Minh