Đắk Lắk phát triển mô hình du lịch thân thiện với voi
Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi vừa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) tài trợ với tổng giá trị khoản viện trợ là 55,452 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Dự án hướng đến mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi. Theo đó, đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng…
Sau khi nghe tin này, người dân Đắk Lắk rất vui mừng vì đàn voi đã được "cởi trói", không còn nhìn cảnh ngày ngày voi phải nai lưng cõng khách du lịch tham quan.
Anh Nguyễn Văn Hải, trú ở xã Ea Wen, huyện Buôn Đôn cho biết, do nhà anh gần với khu du lịch nên thường xuyên ghé vào chơi, mỗi lần nhìn thấy hình ảnh những con voi cõng nhiều người trên lưng đi dạo anh lại thấy xót xa.
"Tôi biết cưỡi voi là một trong những hoạt động thu hút rất nhiều khách du lịch thập phương, nhờ cưỡi voi khách du lịch mới biết Buôn Đôn là đâu. Tuy nhiên việc bắt voi làm việc nhiều quá sẽ gây khó khăn trong công tác bảo tồn voi. Nếu phải làm việc quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sinh sản của voi”, anh Hải chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Hùng trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, cho hay, do là dân làm ăn nên anh thường xuyên có khách từ các tỉnh khác về thăm và giao lưu. Mỗi lần như vậy anh đều đưa họ vào Buôn Đôn hoặc huyện Lắk để du lịch cưỡi voi.
Theo anh Hùng, sau mỗi lần cưỡi voi những người thân của anh có dịp trở lại điểm du lịch Buôn Đôn gần như sẽ không dùng dịch vụ cưỡi voi nữa và thay vào đó là đi ngắm rừng, ngắm thác, tổ chức ăn nhậu tại các bìa rừng.
Anh Nguyễn Trường Sơn, trú tại phường Ea Tam chia sẻ, những năm trước, thỉnh thoảng 2 vợ chồng anh lại đưa các con vào Buôn Đôn cưỡi voi đi du lịch. Tuy nhiên thời gian gần đây sau khi nghe nhiều ý kiến về việc không nên dùng voi cõng người đi du lịch, anh thấy hợp lý nên gia đình anh nếu vào Buôn Đôn cũng chỉ đi vui chơi, ngắm cảnh rồi ăn uống chứ không cưỡi voi nữa.
Theo một lãnh đạo Vườn Quốc gia Yook Đôn, đây là một dự án được rất nhiều người mong mỏi và chờ đợi. Việc chấm dứt cưỡi voi là tốt, tránh ngược đãi ép voi làm những điều mà chúng không thích.
Cũng theo vị lãnh đạo trên thì "việc không cưỡi voi sẽ giảm thiểu xung đột giữa nài voi (người chăm voi) và du khách, đồng thời giúp voi có thể duy trì nòi giống. Mặc dù đây là dịch vụ hái ra tiền của ngành du lịch nhưng chúng ta cũng phải nhìn về tương lai làm sao cho con cháu chúng ta còn nhìn thấy voi ngoài đời thực chứ không phải trong huyền thoại.
Chuyển đổi du lịch voi thân thiện mà vẫn có thu nhập từ hoạt động trải nghiệm voi giữa thiên nhiên sẽ có những lý thú mới, dần dần việc cưỡi voi sẽ đi vào tiềm thức trong quá khứ".
Hải Dương