Đồng Nai: Sau giải cứu, giá lợn bắt đầu tăng, thương lái gặp khó
![]() |
Ảnh minh họa |
Ngày 30/4, Sở Công Thương Đồng Nai phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chính thức mở điểm bán thịt heo bình ổn giá tại thành phố Biên Hòa, nhằm hỗ trợ người chăn nuôi giải cứu thịt heo.
Cụ thể, Hiệp hội sẽ thu mua heo hơi tại trại cho người chăn nuôi với giá 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thương lái đang thu mua khoảng 7.000 đồng/kg.Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Hiệp hội sẽ thu mua heo cho người nông dân với giá cao hơn giá thương lái đang thu mua và bán ra thấp hơn 20-30% so với giá thịt heo trên thị trường.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện tại đã có 5 điểm bán thịt heo bình ổn giá, thời gian tới sẽ tiếp tục mở thêm nhiều điểm bán.
“Ngày 4/5, chúng tôi đã mở thêm 2 điểm bán ở huyện Trảng Bom, ngày 5/5 mở thêm điểm ở chợ Tân Biên. Mục tiêu của chúng tôi là mở khoảng 10 điểm bán và làm thật tốt”, ông Công nói.
Ông Công cho biết, hiện tại mỗi điểm bán đang tiêu thụ khoảng 120- 140 con heo/ngày. Đặc biệt, việc mở các điểm bán thịt heo đang tạo được hiệu ứng rất tích cực.
Từ chỗ hoảng loạn, giá 18.000, 19.000 đồng/kg heo hơi bà con cũng bán hết thì nay giá heo bình quân của Đồng Nai hiện tại thấp nhất là 28.000 đồng/kg. Còn heo VietGap thấp nhất 32.000 đồng. Lượng heo về kiểm dịch tăng lên 20%.
“ 2-3 ngày nay rất nhiều thương lái gọi điện “muốn xử” tôi vì làm chương trình này khiến họ mua heo khó hơn. Thương lái nói khó mua, nghĩa là không như đợt trước, trả giá nào thì người chăn nuôi phải bán giá nấy. Người chăn nuôi hiện tại đã bình tĩnh, không còn bán đổ, bán tháo như trước”, ông Công cho hay.
Ông cho biết, các điểm bán thịt heo bình ổn giá nhằm mục đích bán thịt heo giá rẻ đến người tiêu dùng, đồng thời có tác động hạ giá bán thịt heo tại các trung tâm thương mại và chợ truyền thống, kích thích thị trường, tăng sức mua thịt heo, giúp giải cứu lượng heo vẫn đang tồn trong dân.
“Hiện tại, lượng thịt tiêu thụ rất tốt và quan trọng là hiệu ứng khiến các chợ truyền thống đang phải giảm giá dần. Giá thu mua heo trong dân cũng đã tăng rõ ràng. Đây là những điểm tích cực của thị trường”, ông nói.
Theo ông Công, Đồng Nai đã có kinh nghiệm trong việc “giải cứu” heo: "Thực ra chúng tôi đã có kinh nghiệm làm việc này vì cách đây 3-4 năm cũng giải cứu thịt heo. Đợt đấy dịch tai xanh xảy ra và chúng tôi đã đúc rút được kinh nghiệm quý báu. Trong đợt này, các cơ quan ban ngành đưa ra lời kêu gọi nhưng Hiệp hội cũng phải phân tích tình hình và có cách làm khác".
Ông Công cho biết, lý do thịt heo giảm sâu vì cung vượt cầu. Khó nhất của người chăn nuôi là không biết bán ở đâu. Cộng với việc nhiễu loạn thông tin về giá, ngành chăn nuôi có thái độ hoảng loạn theo đám đông, khiến thương lái thao túng. Đáng nói là giá heo giảm sâu nhưng giá thịt trên thị trường vẫn không giảm.
Chính vì thế chúng tôi đưa ra giải cứu, kích cầu thị trường 90 triệu dân bằng cách giảm giá, kích thích thị trường tiêu dùng.
“Do cắt bớt được khâu trung gian nên giá bán của chúng tôi rẻ so với thị trường. Thịt heo lại được kiểm soát chặt chẽ nên người tiêu dùng hăng hái cùng chung tay giải cứu. Như các điểm ở Biên Hòa trước đây mỗi ngày chỉ bán 2 con heo nhưng khi mở các cửa hàng thí điểm bình ổn giá, mỗi ngày trung bình bán 140 con”, ông Công vui vẻ nói.
Đặc biệt theo ông, khi nâng giá heo thu mua cho người chăn nuôi khiến họ có tư tưởng ổn định, không còn hoảng loạn.