Vụ cháu bé 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Việc điều tra bổ sung, giám định vết thương cũ thực hiện thế nào?
Theo luật sư, bản kết luận giám định pháp y tử thi xác định có rất nhiều các tổn thương cũ trên cơ thể, là yếu tố cộng thêm khiến nạn nhân tử vong. Đây chính là căn cứ quan trọng để định tội danh ''Giết người'' của Nguyễn Kim Trung Thái.
Ngày 21/7, TAND TP.HCM đưa vụ án bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh bị ''mẹ ghẻ'' hành hạ tới tử vong ra xét xử. Sau hơn 1 giờ tiến hành phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định các thương tích trước ngày cháu bé tử vong.
Hình ảnh bé V.A khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngày 22/12/2021 với chi chít các vết bầm tím trên cơ thể. |
Lý giải về việc giám định bổ sung vết thương cũ của nạn nhân khi đã hỏa thiêu thi thể, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội) – một trong các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại nói: “Bản kết luận giám định pháp y tử thi cháu V.A ngày 20/01/2022 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP Hồ Chí Minh kết luận nguyên nhân chết do phù phổi cấp do sốc đa chấn thương. Các loại vết thương, kích cỡ vết thương, các tổn thương ở bên trong như thế nào đều đã xác định được.
Cơ chế hình thành dấu vết để lại trên tử thi đã xác định có rất nhiều các tổn thương trên cơ thể là nguyên nhân cháu tử vong.
Trong Bản kết luận giám định pháp y tử thi nạn nhân ghi rõ: "Là các tổn thương cũ, do vật tày tác động gây nên. Nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân đã được làm rõ. Các tổn thương cũ, xảy ra trước khi tử vong trong khoảng từ 2 đến 25 ngày là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của N.T.V.A...''.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi với PV Infonet về vụ việc. |
Như vậy, Bản kết luận giám định pháp y tử thi đã xác định hành vi sử dụng bạo lực của các đối tượng diễn ra trong thời gian dài gây nên những thương tích rất nguy hiểm, là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của cháu V.A vào ngày 22/12/2021''.
Luật sư viện dẫn quy định giám định vết thương cũ, phân tích vụ việc như sau: ''Tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 (Quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần) đã quy định nguyên tắc giám định như sau: “Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích, hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có thiếu sót không trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích do 2 bị can gây ra trước ngày cháu bé tử vong là bỏ lọt tội phạm. Bản kết luận giám định pháp y tử thi đã nêu trên cơ thể cháu có rất nhiều các vết thương cũ (từ 02 đến 25 ngày) rất nghiêm trọng, dẫn đến cái chết, là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của cháu V.A vào ngày 22/12/2021.
Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá tính nguy hiểm hành vi phạm tội kéo dài của chúng và làm căn cứ định tội danh ''Giết người'' của Nguyễn Kim Trung Thái''.
Bị báo Trang được các chiến sĩ công an áp giải đến phiên tòa ngày 21/7/2022. |
''Cơ quan điều tra đã thu thập bệnh án của cháu V.A tại bệnh viện, các tài liệu giám định vết thương cũ và vết thương ngày cháu bị tử vong do hành hung ngày 22/12/2021. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra chỉ ra quyết định trưng cầu giám định nguyên nhân tử vong, cơ chế hình thành vết thương ngày 22/12/2021 là chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Do đó, trên cơ sở ý kiến của luật sư đưa ra tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã chấp nhận trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu trưng cầu giám định để có căn cứ buộc tội các bị cáo.
Công lý sẽ được thực thi. Tội ác của chúng sẽ bị trừng trị nghiêm minh nhất là mong muốn của mọi người dân trong xã hội cũng như gia đình bị hại và các luật sư”, luật sư Thơm nêu quan điểm.
Quy định trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa sơ thẩm
Luật sư Thơm trích dẫn thêm quy định pháp luật liên quan việc trả hồ sơ bổ sung và phân tích: "Thông tư liên tịch số 02/2017 đã có quy định hướng dẫn, tuy nhiên cũng mới dừng lại ở quy định chung chung tại khoản 2 Điều 10: “VKS ra quyết định…chuyển ngay cho cơ quan điều tra…”. Vậy, “ngay” là bao lâu, hiện nay vẫn chưa được giải thích cụ thể mà phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan tố tụng.
Thứ nhất, về thủ tục trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2017 thì việc trả hồ sơ phải lập thành văn bản, có chữ ký của người có thẩm quyền và ghi rõ nội dung cần điều tra bổ sung, những vi phạm thủ tục tố tụng cần khắc phục.
Sau khi nhận được hồ sơ và quyết định trả hồ sơ của Tòa án, nếu xét thấy không thể bổ sung, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định trả hồ sơ của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát gửi văn bản nêu rõ lý do và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.
Nguyễn Kim Trung Thái rời xe đặc chủng vào phòng xét xử. |
Đối với cơ quan điều tra, sau khi nhận được hồ sơ phải tiến hành điều tra những nội dung trong quyết định trả hồ sơ. Sau khi kết thúc điều tra phải ra kết luận điều tra bổ sung. Tùy thuộc vào kết luận điều tra, Viện kiểm sát ra thông báo hoặc ban hành Bản cáo trạng mới nếu thay đổi tội danh, bổ sung tội mới và chuyển hồ sơ cho Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Thứ hai, về số lần trả hồ sơ của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm: Theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn điều tra bổ sung quy định như sau: "Trường hợp hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng.
Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần".
Luật không có quy định thời hạn Viện kiểm sát chuyển hồ sơ và quyết định điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra bởi Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát chứ không trả trực tiếp cho cơ quan điều tra''.
Tòa có quyền xét xử tội nặng hơn truy tố
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, căn cứ Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về Giới hạn của việc xét xử của Tòa như sau: Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị xét xử tội Giết người. |
Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Luật sư nhận định: ''Có thể thấy, nếu sau khi Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung khắc phục những thiếu sót nhằm xác định đúng tội danh, hành vi phạm tội của các bị cáo mà Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa vẫn có thể xét xử bị cáo về một tội danh khác nặng hơn''.
Quyết liệt đề nghị thay đổi tội danh của Nguyễn Kim Trung Thái sang đồng phạm giết người
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: ''Tòa chấp nhận quan điểm của luật sư trả hồ sơ trưng cầu giám định bổ sung là một căn cứ vững chắc cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét tội danh Nguyễn Kim Trung Thái đồng phạm Giết người''.
Do đó, khi có thông báo hồ sơ vụ án được chuyển lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, luật sư Thơm sẽ tiếp tục kiến nghị đến lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh,... đề nghị thay đổi tội danh của Nguyễn Kim Trung Thái từ tội ''Che giấu tội phạm'' sang tội ''Giết người'' với những căn cứ pháp lý cụ thể.
Hoãn phiên tòa vụ bé 8 tuổi bị bạo hành tử vong, trả hồ sơ điều tra bổ sung
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo kiến nghị của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại là cháu V.A bị bạo hành tử vong.
Sông Mã