Doanh nghiệp nhỏ trầy trật vì ngân hàng phân biệt đối xử
Ngân hàng đang "quên" DN nhỏ
Ông Đỗ Văn Minh – Tổng giám đốc Công ty Dệt 19.5 than thở, mức lãi suất vay 20%/năm khiến DN không chịu đựng nổi. Nhiều DN trong ngành dệt may khó khăn hoạt động cầm chừng mong qua nhanh thời điểm khó khăn, hoặc tới mức phải đóng cửa. Những DN còn trụ lại được, nhìn thấy cơ hội phục hồi nhưng cũng đành ngậm ngùi "ngắm rồi bỏ qua" vì không có tiền. "Cơ hội tiếp cận vốn vay với nhiều DN dệt may là vô cùng khó vì đa số là DN sản xuất nhỏ. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội nhưng đành để cơ hội đó tuột khỏi tầm tay một cách tiếc nuối vì không có vốn" – ông Minh bày tỏ.
Cũng bày tỏ nỗi thất vọng vì cùng là DN nhưng bị phân biệt đối xử, tổng giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Nội cho biết, đi đến đâu DN ông cũng bị ngân hàng (NH) từ chối vay do không còn tài sản thế chấp. "Chúng tôi cảm thấy tủi thân vì bị các NH phân biệt đối xử quá, mà đáng ra nhóm DN vừa và nhỏ mới là đối tượng cần được cứu nhất lúc này".
Tình trạng này cũng đang xảy ra với các công ty thành viên thuộc tổng công ty Hapro Hà Nội. Ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho hay, hiện tại tổng công ty đang vay vốn nhà băng ở mức 11-14%/năm, thậm chí chỉ bằng tín chấp cũng được chấp thuận vay và giải ngân rất nhanh. Nhưng các DN thành viên của Hapro thì đang trầy trật tiếp cận vốn vay của NH do không còn tài sản thế chấp.
Điều lạ là cùng một tập đoàn, nhưng công ty mẹ thì được nhà băng chào đón nhiệt tình với mức lãi thấp. Trong số 3000 tỷ tổng công ty vay ngân hàng thì 2.000 tỷ là vay tín chấp. Còn các công ty thành viên vốn cổ phần lại bị từ chối cho vay do thiếu tài sản. Dường như các nhà băng đang có tâm lý "sợ" cho DN vừa và nhỏ vay do lo ngại xù nợ?
"Thực tế hiện nay có hiện trạng NH sợ cho vay, DN sợ đi vay, cán bộ tín dụng NH sợ trách nhiệm nên chần chừ trong thẩm định dự án. Người khổ cuối cùng chỉ là DN thấp cổ bé họng, nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà đành chịu vì không có vốn để làm"- ông Sơn buồn bã.
Đại diện lãnh đạo các NHTM có mặt tại cuộc gặp gỡ giữa NHNN và thành phố Hà Nội sáng 29/3 cũng thừa nhận, đúng là có tình trạng trên, nhưng nhà băng cũng có cái khó của mình. "Dự án hôm nay DN đưa ra có thể khả thi nhưng trong tương lai không ai dám chắc, lúc đó NH lại ôm một đống nợ xấu thì còn khổ sở hơn" – vị này phân trần. Tuy thế, NH ông luôn mở rộng cửa chào đón tất cả các DN nếu có phương án kinh doanh tốt, khả năng trả nợ trong tương lai cao...
Hiện lãi vay thương mại thấp nhất được thiết lập trên thị trường là 11%/năm đối với những phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm; lãi suất cho vay trung - dài hạn phổ biến ở mức 14 -16,5%/năm.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ, Thống đốc Bình đề nghị các NHTM phải mở rộng cánh cửa cho vay hơn nữa đối với các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Các TCTD tùy năng lực tài chính xem xét hạ lãi suất và mở rộng đối tượng vay nếu có phương án kinh doanh khả thi. Với giá vốn huy động hiện nay của các TCTD là 7,5%/năm, nếu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc thì cộng thêm 2,5-3% khoản tín dụng có lãi, thị trường có mức lãi vay từ 10-11%/năm là hoàn toàn hợp lý. Nhà băng lãi ít để chia sẻ với DN còn hơn tiền chết trong két, đem gửi ở NHNN để hưởng lãi 3%/năm, lỗ ngay 4-5%/năm.
![]() |
Quy mô nhỏ, không còn tài sản thế chấp khiến nhiều DN vừa và nhỏ bị nhà băng từ chối cho vay |
"Bản thân NH cũng bị áp lực lớn vì sợ cho vay rồi không thu được nợ, nhưng chia sẻ với DN, các TCTD phải sâu sát hơn, phải nghĩ rằng DN và NH tuy hai mà là một, dựa vào nhau cùng sống và cùng phát triển thì vốn trong nhà băng mới khơi thông được, DN cũng có tiền để khôi phục sản xuất, trả nợ NH..." – Thống đốc Bình đề xuất.
Điều mà người đứng đầu ngành Ngân hàng băn khoăn đó là do bất ổn vĩ mô nên hiện nguồn vốn huy động trong hệ thống ngân hàng có đến 80% là vốn huy động ngắn hạn. Nhưng kinh tế vĩ mô ổn định trở lại chắc chắn cơ cấu tiền gửi sẽ thay đổi và người gửi tiết kiệm sẽ chọn kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao, vốn trung dài hạn sẽ trở lại ngân hàng.
Lãi vay giảm "kịch" thêm 2-3%
Thời gian qua tín dụng đã tăng trưởng quá nóng và hệ lụy nền kinh tế đã và đang phải trả giá, lạm phát cao "ngất", DN chịu lãi suất cao, sức mua trì trệ.... Tuy nhiên, nếu đem so sánh thì mặt bằng lãi suất hiện nay chỉ bằng năm 2007, khi đó tăng trưởng tín dụng là 53%/năm, lãi suất cao mấy DN cũng vay được, vì còn có thị trường, còn sản xuất. Tình hình hiện tại đang ngược lại, thị trường thu hẹp, sản xuất đình đốn, thậm chí DN còn "sợ đi vay" vì lo không có tiền trả lãi NH...."Chúng ta đã quen với việc tăng trưởng tín dụng ba bốn chục phần trăm, nên có cảm giác bị sốc, chủ trương trong những năm tới mỗi năm tín dụng ngân hàng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-15%. Không thể trở lại thời kỳ trước đây tăng trưởng tín dụng quá cao, sử dụng vốn không hiệu quả đã để lại biết bao hệ lụy cho nền kinh tế”, Thống đốc NHNN cho biết.
Cũng theo Thống đốc, tăng trưởng tín dụng không còn quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Nếu cùng một đồng vốn nhưng hiệu quả cao thì hơn gấp nhiều lần bỏ quá nhiều vốn nhưng lại không có hiệu quả cao chưa kể các hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.