Doanh nghiệp nào trả tiền quảng cáo trên kênh của Khá Bảnh?
Từ lúc ra tù với video 13 triệu lượt xem, Khá Bảnh đã xây dựng "đế chế riêng" cho mình chỉ trong chưa đầy 2 năm. "Đại ca giang hồ" mạng Khá Bảnh được YouTube trao nút bạc, rồi nút vàng, cùng với khoản tiền đến từ quảng cáo trên nền tảng này. Top video thịnh hành ở Việt Nam trên YouTube liên tục xuất hiện các video của Khá Bảnh, tiếp tay cho nhân vật này trở thành hiện tượng mạng và nhận được nhiều lợi ích từ sự nổi tiếng.
Với YouTube, Khá Bảnh vừa có thể tìm kiếm sự nổi tiếng để quảng cáo cho nhiều thương hiệu, vừa kiếm tiền từ Google Adsense.
Doanh nghiệp quảng cáo kiểu 'quăng lưới'
Mới đây, Khá Bảnh đã gây bức xúc dư luận khi dùng chiêu đốt xe ga để quảng cáo cho một hãng xe điện mới, bất chấp việc so sánh trực tiếp hai thương hiệu là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Quảng cáo.
Riêng với các video, ngày 2/4 tại cơ quan điều tra, Khá Bảnh cho biết chỉ mới được YouTube trả tiền mấy tháng gần đây cho những video đăng trên YouTube. Thời gian đầu, Khá nhận được 7.000 - 8.000 USD/tháng (khoảng 160-185 triệu đồng), tháng cao nhất được trả lên tới 19.500 USD (khoảng 450 triệu đồng).
Quảng cáo toàn màn hình của Yamaha trên một video của Khá Bảnh. |
Đây là số tiền mà Khá Bảnh nhận lại từ Google Adsense dựa trên cơ chế đếm view, đếm click quảng cáo để tính tiền. Từ chửi bới, anh em giang hồ, đến đòi nợ thuê, đốt xe..., càng nội dung giật gân, ăn khách, video của Khá Bảnh càng thu hút người xem. Các video của Khá Bảnh liên tục lọt vào top thịnh hành của YouTube ở Việt Nam. Đồng nghĩa với nó, số tiền Khá Bá nhận được từ Google càng lớn.
Và người đứng sau, chi tiền cho các nội dung phản cảm của Khá Bảnh, mang lại nguồn thu cho cả YouTube và Ngô Bá Khá chính là các doanh nghiệp mua quảng cáo hiển thị trực tiếp trên video.
Vậy các thương hiệu nào đang chi tiền cho các "đại ca giang hồ" mạng như Khá Bảnh?
Không chỉ nhận quảng cáo cho các trang web cá cược bóng đá, lô đề, xóc dĩa trực tuyến, trên YouTube của Khá Bảnh có thể thấy một loạt thương hiệu nổi tiếng như MSB (Ngân hàng Hàng hải Việt Nam), Yamaha...
Các thương hiệu này hiển thị quảng cáo banner hoặc toàn màn hình trên các video của Khá Bảnh.
Bà Lê Uyên - chuyên gia quảng cáo online tại TP.HCM, nói với Zing.vn các nhãn hàng có quyền lựa chọn việc quảng cáo của họ sẽ không hiển thị trên kênh nào, nhưng thường phó mặc cho đơn vị cung cấp dịch vụ.
Các đơn vị này thường phân phối quảng cáo của khách theo kiểu “quăng lưới”, tức là chỉ dựa theo đối tượng mục tiêu và độ “hot” của kênh, dẫn tới có trường hợp xuất hiện cạnh nội dung xấu độc.Khi sự việc xảy ra, nhiều đơn vị vẫn khá bị động, chưa cương quyết với YouTube như các thương hiệu nước ngoài, dù từng có khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
MSB tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube
Bất ngờ khi biết việc thương hiệu của mình xuất hiện bên cạnh các video của Khá Bảnh, đại diện MSB cho biết sẽ ngay lập tức cho kiểm tra, rà soát.
Vị này giải thích việc xuất hiện quảng cáo trên YouTube là hình thức quảng cáo theo đuổi khách hàng tiềm năng (remarketing). Khi khách hàng truy cập các website, YouTube…, banner quảng cáo sẽ hiển thị cùng để tiếp cận khách hàng.
Về nguyên tắc, ngân hàng chỉ lựa chọn quảng cáo trên những nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức và tích cực. MSB phối hợp cùng đơn vị quảng cáo tiến hành rà soát trước khi thực hiện và rà soát định kỳ hàng tuần các nội dung, chủ đề không liên quan để loại trừ.
Tiếp nhận phản ánh của Zing.vn, MSB đã chỉ đạo tạm dừng ngay tất cả quảng cáo trên YouTube để rà soát, vị này cho biết
Quảng cáo của MSB xuất hiện trên video của Khá Bảnh. |
Yêu cầu hạ kênh Khá Bảnh
Ngày 2/4, theo ghi nhận của Zing.vn toàn bộ 410 video trên kênh YouTube của Khá Bảnh đã bị tắt kiếm tiền. Người dùng không xem được bất kỳ quảng cáo nào trên kênh của Khá Bảnh. Tuy nhiên, nhiều video của Khá Bảnh vẫn hiển thị trên thẻ thịnh hành và trong phần gợi ý của YouTube.
Trong khi đó, chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền Thông, cho hay cơ quan này đã chính thức gửi yêu cầu tới nhà cung cấp dịch vụ YouTube, đề nghị đơn vị này khóa và hạ kênh YouTube của Ngô Bá Khá (Khá Bảnh).
Theo ông Lâm, việc hạ kênh thường mất một ngày.Đây không phải lần đầu các thương hiệu lớn, bao gồm các doanh nghiệp Việt bị thiệt hại thương hiệu và uy tín doanh nghiệp khi quảng cáo xuất hiện bên cạnh các nội dung xấu độc như vậy.
Google từng nhiều lần tuyên bố điều chỉnh chính sách sau khi quảng cáo được nhúng vào nhiều video không phù hợp để kiếm tiền.