Doanh nghiệp "lôi nhau" ra Trọng tài thương mại ngày càng nhiều
Đó là con số được ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đưa ra tại Hội thảo về Trọng tài thương mại quốc tế do VIAC phối hợp cùng Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức sáng 20/07 tại Hà Nội. Theo ông Đạt, trong số các tranh chấp do VIAC giải quyết, có tới hai phần ba là tranh chấp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Điều đó chứng minh rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, thay vì giải quyết tại tòa án như trước đây.
![]() |
Hội thảo về Trọng tài thương mại quốc tế diễn ra sáng 20/07/2016 tại Hà Nội. |
Doanh nghiệp có quyền đòi hỏi
Từng trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp bằng trọng tài thương mại, Luật sư Đỗ Trọng Hải, Chủ tịch Công ty Luật TNHH BIZLINK cho rằng, cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO và các Hiệp định Thương mại, giao dịch kinh tế quốc tế nhiều hơn dẫn tới việc các doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm trọng tài. Xu hướng doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại tăng lên đặc biệt từ năm 2010 trở lại đây, thay thế cho sự lựa chọn gần như là duy nhất trước đây là tòa án.
Các doanh nghiệp được quyền lựa chọn trọng tài viên, lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong tranh chấp. Đặc biệt, doanh nghiệp không nhất thiết phải lựa chọn luật pháp của Việt Nam mà hoàn toàn có thể lựa chọn luật pháp của một quốc gia khác, cho dù tranh chấp được phân xử bởi một trung tâm trọng tài của Việt Nam. Doanh nghiệp cũng có thể thỏa thuận với nhau để rút ngắn thời gian tranh chấp.
Nếu như việc xử lý tranh chấp tại tòa án cần phải trải qua phần sơ thẩm, rồi phúc thẩm, nhưng Trọng tài thương mại chỉ đưa ra duy nhất một phán quyết và phán quyết đó được thi hành theo Luật Trọng tài thương mại.
“Yêu cầu hủy phán quyết của các bên vẫn được bảo đảm, nhưng việc xem xét có hủy phán quyết hay không là do tòa án và ngày càng khó để hủy phán quyết từ trọng tài vì các căn cứ rất rõ ràng. Bằng chứng là năm 2015 tại VIAC không có phán quyết nào bị hủy. Thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn xuống trung bình chỉ còn 6 tháng, có những vụ việc chỉ giải quyết trong vòng 24 ngày,” ông Phan Trọng Đạt cho biết.
Trước khi ký thỏa thuận trọng tài, doanh nghiệp có quyền biết trước mức phí phải trả và gần như không có sự phát sinh. Mức phí này sẽ do bên thua kiện chi trả. Như vậy, đây là một cuộc chơi minh bạch, rõ ràng, bao gồm vấn đề chi phí.
![]() |
Thống kê số vụ việc được giải quyết theo năm tại VIAC. Nguồn: VIAC. |
Chi tiền đúng lúc, đúng chỗ
Theo ông Đặng Xuân Hợp – Luật sư thành viên Công ty Luật Allens& Linklaters, Trọng tài viên VIAC - thẳng thắn mà nói số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với số lượng các vụ việc tranh chấp nói chung. Ông Hợp khuyến nghị, đối với một số doanh nghiệp, có thể việc giải quyết tranh chấp còn tương đối mới, nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp cần tìm hiểu và sẵn sàng với các vụ kiện tại trọng tài thương mại để theo kịp xu thế quốc tế.
Đồng tình với ông Đăng Xuân Hợp, ông Đỗ Trọng Hải cho rằng số vụ việc còn khiêm tốn là do nhận thức của doanh nghiệp về trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp không có thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp để được tư vấn về luật pháp quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia tranh chấp tại diễn đàn trọng tài quốc tế thường chủ quan, cuối cùng phải đón nhận hậu quả nghiêm trọng khi có phán quyết.
“Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia giao dịch quốc tế nếu muốn những điều khoản về giải quyết trọng tài, nên ưu tiên lựa chọn trọng tài trong nước. Trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác cũng nên lựa chọn Trung tâm trọng tài phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn rõ ràng về đường đi nước bước cũng như sự hiểu biết về pháp luật quốc tế,” ông Đỗ Trọng Hải nói.
Trên thực tế, sự khác biệt trong hệ thống luật pháp giữa các nước cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong một hợp đồng kinh tế quốc tế, doanh nghiệp buộc phải lựa chọn Trung tâm trọng tài của nước ngoài, nhưng lại không hiểu biết nhiều về hệ thống luật pháp của nước sở tại sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp lựa chọn tòa trọng tài của nước nào, việc đưa ra phán quyết phải dựa vào hệ thống luật pháp của nước đó. Do vậy, ông Hải khuyến nghị trước khi doanh nghiệp đặt bút ký hợp đồng với đối tác nước ngoài cần phải hiểu rõ điều này, nếu chỉ tư duy thuần túy theo luật Việt Nam sẽ không tương thích với hệ thống luật trọng tài tại nước sở tại.
Nếu chỉ nhìn vào con số thống kê trong 5 năm gần đây, từ con số 63 vụ tranh chấp năm 2010 lên con số 146 vụ vào năm 2015 tại VIAC, có thể thấy số lượng doanh nghiệp quan tâm đến trọng tài thương mại càng lớn, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, số vụ việc được giải quyết tại trọng tài thương mại là không nhiều.
Ông Đỗ Trọng Hải cho rằng doanh nghiệp gần như chỉ chấp nhận khi tham gia giao dịch quốc tế với một tâm thế hoàn toàn thụ động bởi đối tác nước ngoài của họ đòi hỏi phải lựa chọn trọng tài thương mại. Sự thụ động này có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế cũng như chi phí để tìm hiểu về hệ thống pháp luật của nước ngoài. Đó là thói quen sử dụng luật sư, khả năng chi trả, cũng như sự chuyên nghiệp trong việc tìm hiểu. Tuy nhiên, rủi ro họ gặp phải luôn lớn hơn chi phí bỏ ra để tìm hiểu về hệ thống luật pháp nước ngoài, do vậy doanh nghiệp cần biết sử dụng dịch vụ pháp lý, đồng thời biết chi tiền đúng lúc đúng chỗ.