Điều gì khiến nữ sinh cũng giải quyết mâu thuẫn bằng 'nắm đấm'?
Trong vòng 1 tuần ngày qua, liên tiếp xuất hiện 2 clip học sinh đánh nhau trên mạng xã hội khiến nhiều người dấy lên lo ngại về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.
Vừa qua, trên mạng Facebook đang lan truyền đoạn clip dài 3 phút, ghi lại cảnh hai học sinh lớp 8 ở tỉnh Quảng Trị, đánh đập dã man một nữ học sinh cùng trường.
Ngày 26/3, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) thông tin, Công an địa phương đang làm việc với Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Triệu Vân (xã Triệu Vân) để làm rõ vụ việc một nữ sinh lớp 7 bị hai học sinh lớp 8 đánh hội đồng và bị đăng tải lên mạng xã hội.
Theo ông Phước, nhận được thông tin, nhà trường đã liên hệ chính quyền vào cuộc xác minh vụ việc.
“Trước mắt, đơn vị sẽ cùng với nhà trường về thăm hỏi, động viên nữ sinh bị đánh; làm việc với gia đình vào các học sinh có liên quan đến vụ việc”, ông Phước nói.
Theo nội dung đoạn clip được đăng trên mạng xã hội, hai nữ sinh lớp 8 tát hàng chục cái vào mặt, đánh vào đầu, dùng chân đạp lên người, đầu, lôi tóc, kéo lê nữ sinh lớp 7. Ngoài ra, 2 nữ sinh này còn xé áo, giật bảng tên và yêu cầu em này quỳ gối xin lỗi.
Dưới sự hành hung của hai người, nữ sinh lớp 7 chỉ biết im lặng, ôm mặt chịu trận mà không hề phản kháng. Sự việc được rất nhiều học sinh chứng kiến, tuy nhiên tất cà đều đứng nhìn, một số còn trêu đùa, cố vũ mà không có ai can ngăn.
Clip sau khi đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người xem tỏ ra bức xúc, phẫn nộ trước hành động "côn đồ" của hai nữ sinh lớp 8.
Được biết, nữ sinh bị hành hung tên L (lớp 7) và hai nữa sinh lớp 8 cùng học chung tại Trường Tiểu học và THCS Triệu Vân (Quảng Trị).
Học sinh tại Quảng Trị bị đánh hội đồng |
Ở một diễn biến khác cũng trong ngày 26/3, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn một phút, ghi lại cảnh một cô gái mặc đồ đen đánh đập tới tấp vào người một nữ sinh trước sự chứng kiến của nhiều người khác.
Mặc dù được can ngăn, bản thân nạn nhân cũng khóc lóc van xin nhưng cô gái này vẫn không chịu dừng tay.
Ngay sau khi đoạn clip được lan truyền, nhiều tài khoản mạng xã hội đã thông tin sự việc xảy ra tại trường THPT Trần Phú (xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).
Nạn nhân là học sinh lớp 10 của trường, còn cô gái tấn công nữ sinh là sinh viên của một trường nghệ thuật tại tỉnh Đắk Lắk.
Sự việc được cho là bắt nguồn từ mâu thuẫn tình cảm giữa các học sinh của hai trường THPT Trần Phú và THPT Krông Nô.
Clip nữ sinh viên trường nghệ thuật tấn công nữ sinh lớp 10 lan truyền trên mạng xã hội. |
Câu chuyện bạo lực học đường đã được đề cập và nhắc tới nhiều lần nhưng những sự việc vừa qua một lần nữa dấy lên những lo ngại về tình trạng này.
Nhiều chuyên gia cũng cùng chung nhận định, rõ ràng ở một góc độ nào đó, văn hoá ứng xử của học sinh đang có những chiều hướng đáng báo động. Trong đó những hành vi như bạo lực học đường, xâm phạm thân thể cũng như tinh thần của học sinh ngày càng nhiều hơn.
Có thể một trong số nguyên nhân khiến bạo lực học đường chưa thể chấm dứt là những biện pháp giáo dục về văn hoá ứng xử trong nhà trường chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số.
Nói về vấn đề bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết, nhiều học sinh sẵn sàng nói chuyện với nhau bằng “nắm đấm” thay vì nói chuyện, trao đổi với nhau. Ở góc độ tâm lý, đây là lứa tuổi học sinh đang có những diễn biến tâm lý khác thường. Do vậy, các bậc phụ huynh và giáo viên cần nắm được điều này để có những hướng dẫn cho phù hợp.
Học sinh cần phải được giáo dục về cách cư xử văn hóa với bạn bè. (ảnh minh họa) |
“Nhiều học sinh chưa trang bị được đủ các giá trị sống và khi học sinh không được giáo dục một cách đầy đủ về những việc này thì lúc tiếp nhận những cái xấu các em dễ làm theo, dễ bị lôi kéo, thậm chí bị kích động dẫn tới những hành vi bột phát”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Do đó, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần phải giáo dục và định hướng cho học sinh về văn hoá ứng xử, nền nếp từ nhỏ tới lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh. Những sự việc vừa qua lại một lần nữa nhắc nhở học sinh cần có những ứng xử phù hợp nhất là trong môi trường học đường.
Hoàng Thanh