Diện mạo giáo dục thay đổi sau 10 năm thực hiện nông thôn mới
Vừa qua, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An dẫn đầu đã đến kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (nông thôn mới) tại tỉnh Tuyên Quang.
Đánh giá cao cách làm của Tuyên Quang, nhất là việc đã tạo ra được phong trào để toàn dân cùng tham gia vào xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia thì tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới của Tuyên Quang vẫn còn thấp, vì vậy, tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyền truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho người dân, huy động được lòng dân, sức dân trong xây dựng nông thôn mới, “dân có thông mới làm được”.
Với 7 xã trong kế hoạch hoàn thành chuẩn nông thôn mới năm 2019 của tỉnh Tuyên Quang, Thứ trưởng đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, bởi các tiêu chí đến thời điểm này chưa hoàn thành đều là tiêu chí khó như đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường lớp học, vệ sinh môi trường… Riêng với tiêu chí về giáo dục, Thứ trưởng mong muốn, quá trình đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang lưu ý đến việc đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạoLê Hải An kiểm tra tại Trường Tiểu học Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang |
Thứ trưởng Lê Hải An đề nghị tỉnh Tuyên Quang sớm thực hiện tổng kết đánh giá 10 năm triển khai chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ ở cấp xã, huyện, tỉnh, trong đó đưa ra được các số liệu đầy đủ, khoa học, giới thiệu được những điểm sáng, kết quả tốt, mô hình hay của địa phương, ví dụ như mô hình đưa 24 cán bộ cấp tỉnh về xã làm việc, đánh giá những khó khăn, thuận lợi và đưa ra những mục tiêu tiếp theo.
Trước thực tế nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng một số tiêu chí chỉ ở ngưỡng chớm đạt, Thứ trưởng lưu ý, tỉnh Tuyên Quang quan tâm tới việc duy trì bền vững các tiêu chí, từng bước nâng cao chuẩn. “Một số tiêu chí mới chớm ngưỡng, nếu lơ là có thể dẫn tới hạ chuẩn”.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần có các giải pháp quyết liệt hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của địa phương.
Theo báo cáo tổng kết, nhờ xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê ở Tuyên Quang đã có sự thay đổi nhanh chóng. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng 3.890 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 316 công trình thủy lợi, 900 km kênh mương, nâng tỷ lệ kênh kiên cố hóa đạt 73,74%, đảm bảo tưới chủ động 96% diện tích.
Có 964 công trình trường học các cấp (trường học, phòng học và công trình phụ trợ) được xây dựng, trang cấp thiết bị cho 108 điểm trường các cấp; hoàn thành xây dựng 1.218 công trình văn hóa, với 50/129 xã có nhà văn hóa và sân thể thao đạt chuẩn, 1.281/1.790 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Có 59/97 chợ nông thôn được xây mới, sửa chữa, nâng cấp theo quy hoạch.
Tỉnh Tuyên Quang cũng sẽ nỗ lực để làm tốt hơn nữa công tác tuyền truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho người dân, huy động được lòng dân, sức dân trong xây dựng nông thôn mới, “dân có thông mới làm được”. Trong quá trình quán triệt đến nhân dân cần chú trọng kiểm tra giám sát thực địa.
Tỉnh Tuyên Quang cũng sẽ gấp rút thực hiện tổng kết đánh giá 10 năm triển khai chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới theo đúng tiến độ ở cấp xã, huyện, tỉnh, trong đó đưa ra được các số liệu đầy đủ, khoa học, giới thiệu được những điểm sáng, kết quả tốt, mô hình hay của địa phương, ví dụ như mô hình đưa 24 cán bộ cấp tỉnh về xã làm việc, đánh giá những khó khăn, thuận lợi và đưa ra những mục tiêu tiếp theo.