Điện Biên: Giải pháp cho những xã nông thôn mới còn "nợ" tiêu chí
Dự kiến đến hết năm 2021, toàn tỉnh Điện Biên có 45 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 21 xã đạt chuẩn và 24 xã cơ bản đạt chuẩn.
Tuy nhiên, nhiều xã dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn “nợ” tiêu chí; thậm chí có những tiêu chí không duy trì được sau khi đạt chuẩn. Việc “trả nợ” tiêu chí NTM thực sự đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều xã.
Xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Thời điểm đó, xã “tạm ứng” một số tiêu chí như: Tiêu chí về trường học; nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, xã mới đạt 15/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Dự kiến đến hết năm nay, Mường Luân phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí, gồm: Tiêu chí trường học (hiện tại xã có 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 60,6%). Đối với tiêu chí về nhà ở dân cư, toàn xã còn 35/967 hộ đang ở nhà tạm dột nát.
Như vậy Mường Luân vẫn còn “nợ” 2 tiêu chí xây dựng NTM (thu nhập và hộ nghèo). Cụ thể, tiêu chí thu nhập, xã mới đạt 22,148 triệu đồng/người/năm trong khi theo quy định phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm trở lên. Đối với tiêu chí về hộ nghèo, xã có 237/950 hộ nghèo (chiếm 24,95 %), theo quy định là dưới 12%.
Theo ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân, nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trong khi đó các chỉ tiêu, tiêu chí về thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, nước sạch... theo quy định còn quá cao so với mức sống của người dân vùng cao. Vì vậy việc phấn đấu hoàn thành gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, không tự mình vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông Lò Văn Mai cho biết, thời gian tới, để hoàn thành các tiêu chí còn lại, xã tăng cường vận động người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời tích cực chuyển đổi cơ cấu việc làm sang các nghề phi nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tuyên truyền nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao tại nhiều xã nông thôn mới. Ảnh: Tuân Nguyễn |
Tương tự, Sín Thầu là xã điểm trong thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Mường Nhé. Năm 2017, Sín Thầu được UBND tỉnh công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM với 17/19 tiêu chí đạt và được kỳ vọng sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, 4 năm sau chương trình xây dựng NTM của Sín Thầu vẫn không đạt thêm tiêu chí nào. Hiện nay xã Sín Thầu đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn thiếu 2 tiêu chí (tỷ lệ hộ nghèo và trường học).
Theo ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, yêu cầu của tiêu chí tỷ lệ trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia phải đạt từ 70% trở lên, nhưng hiện trên địa bàn xã mới chỉ đạt 50%. Còn đối với tiêu chí hộ nghèo thì rất khó. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 37,9% (năm 2020), nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo do thời gian tới áp dụng theo quy định mới. Vì vậy giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 12% theo quy định là rất khó.
Thực tế hiện nay, có nhiều xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên tuy đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn “nợ” tiêu chí. Các tiêu chí “nợ” chủ yếu về lĩnh vực giao thông, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư, môi trường.
Hệ thống đường giao thông tại các xã ở Điện Biên còn cần phải cải thiện. Ảnh: Tuân Nguyễn. |
Một số tiêu chí như: Giao thông, nhà văn hóa xã, trường học... cần vốn đầu tư lớn. Trong khi nguồn vốn từ chương trình hạn hẹp; thu ngân sách trên địa bàn ít, dẫn tới nhiều xã không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì vẫn còn một số địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM chưa thực sự quyết liệt, nỗ lực giải quyết “nợ” tiêu chí. Có những xã được công nhận đạt chuẩn NTM cách đây từ 3 - 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa trả được “nợ”.
Chương trình xây dựng NTM không có điểm kết thúc. Đây là chặng đường dài, yêu cầu đạt chuẩn ở mỗi giai đoạn khác nhau, thường giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước. Nhưng một số địa phương đang có dấu hiệu tư tưởng thỏa mãn khi đạt chuẩn. Điều này ảnh hưởng đến tính thực chất về mục tiêu xây dựng NTM. Đây là bài học để các xã đang thực hiện chương trình xây dựng NTM có những giải pháp cụ thể, thiết thực để hoàn thành các tiêu chí một cách thực chất, không chạy theo thành tích để rồi “nợ” tiêu chí kéo dài.
Ngân Giang