Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới hội nhập kinh tế ASEAN
Dịch Covid-19 được cho đang giới hạn khả năng hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời gia tăng sức ép cho những nỗ lực suốt 4 năm qua của ASEAN nhằm tăng cường khả năng đầu tư và thương mại trong khu vực.
Nhân viên y tế tại một sân bay ở Jakarta kiểm tra thân nhiệt cho hành khách. (Ảnh:Nikkei Asian Review) |
Tính tới ngày 24/3, khoảng 4.000 người mắc Covid-19 được báo cáo tại 10 nước thành viên ASEAN và khoảng 100 ca tử vong.
Con số này chiếm khoảng 1% tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp trên toàn cầu. Nhưng ngay từ giữa tháng Ba, chính phủ các nước ASEAN đã tăng cường biện pháp phòng chống bệnh như phong tỏa gần như hoàn toàn đất nước trước mối lo các ca mắc Covid-19 nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ.
Gần đây, Malaysia và Philippines đã cấm người nước ngoài nhập cảnh. Singapore cấm tất cả khách ngắn hạn nhập cảnh hoặc quá cảnh. Thái Lan và Việt Nam yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh khai báo y tế để xác định có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.
Với những biện pháp mạnh tay được thi hành, hãng hàng không Singapore Airlines sẽ cắt giảm 96% công suất cho tới cuối tháng Tư, khiến 138 trong tổng số 147 máy bay của hãng phải hạ cánh. Còn hãng Jetstar Asia cũng đã hủy toàn bộ chuyến bay từ ngày 23/3 – 15/4.
Ngay cả 4 hãng hàng không Việt Nam thực hiện các chuyến bay ra nước ngoài như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways cũng tạm dừng khai thác những chuyến bay quốc tế cho tới hết tháng Tư. Các hãng hàng không Việt Nam được cho sẽ chịu thiệt hại ít nhất 30.000 ngàn tỉ đồng (1,27 tỉ USD) trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Bangkok đã quyết định đóng cửa 26 lĩnh vực bao kinh doanh gồm các trung tâm mua sắm, nhà hàng ăn đêm từ ngày 22/3. Cũng trong ngày 22/3, khoảng 80.000 người đã tập trung tại trung tâm xe buýt Mo Chit ở phía bắc Bangkok để trở về quê nhà.
“Các nhà điều hành ngành du lịch sẵn sàng ủng hộ chính sách của chính phủ như phong tỏa thành phố để ngăn chặn dịch Covid-19. Nếu như biện pháp này giúp đất nước và bảo vệ ngành du lịch, chúng tôi sẵn sàng hy sinh”, Hội đồng Du lịch Thái Lan thông báo.
Theo ước tính của Hội đồng Du lịch Thái Lan, dịch Covid-19 sẽ khiến du lịch Thái Lan chịu tổn thất 1 ngàn tỉ baht (44 tỉ USD).
Trong năm 2018, các nước ASEAN đón 135 triệu du khách ghé thăm và trong số này khoảng 50 triệu người đến từ 10 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Còn hiện tại, lệnh phong tỏa biên giới không chỉ ảnh hưởng tới hàng triệu doanh nghiệp và du khách, mà còn tác động tới những lĩnh vực quan trọng hơn như dòng chảy lao động và hàng hóa.
Cụ thể, Campuchia phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu nông nghiệp từ Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã cho đóng cửa các đường biên giới với Campuchia từ ngày 15/3, và sau đó, Campuchia cũng cho dừng mọi hoạt động di chuyển giữa hai nước bao gồm các chuyến bay. Kết quả, theo một nhà điều hành công tác hậu cần tại địa phương, giá cả hàng hóa tại Campuchia có thể sẽ tăng trong thời gian tới.
“Các biện pháp kiểm soát liên biên giới có thể tác động xấu tới an ninh lương thực, thu nhập và việc làm. Tham vấn song phương là điều vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay để giảm thiểu tác động từ lệnh cấm đi lại”, ông Cassey Lee, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore chia sẻ với Nikkei Asian Review.
Các biện pháp kiểm soát biên giới cũng ảnh hưởng lớn tới hàng loạt công ty trên toàn cầu vốn tạo chuỗi cung ứng trong khu vực. Họ đã đầu tư nguồn tiền vào khu vực có giá nhân công tương đối rẻ, cùng các thỏa thuận thương mại tự do trong khối ASEAN.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn bùng nổ dịch Covid-19, chính phủ các nước ASEAN đã tung ra các gói hỗ trợ tài chính, trong khi ngân hàng trung ương nhanh chóng lưu thông tiền tệ để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, những biện pháp này dường như không thể cứu phần lớn các nước ASEAN phải chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm 2020.
Trong những năm qua, ASEAN đã tăng cường hội nhập kinh tế, tạo ra dòng di chuyển tự do cho người dân cùng hàng hóa và đầu tư trong khu vực như miễn thị thực cho một số nước thành viên.
Trong năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập đã giúp thúc đẩy khả năng hội nhập kinh tế của khu vực bao gồm các biện pháp giảm hàng rào thuế quan cho lĩnh vực thương mại.
Hôm 10/3, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN xác nhận những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với lĩnh vực du lịch, sản xuất, bán lẻ và thị trường tài chính. Các Bộ trưởng đồng thuận những biện pháp hạn chế di chuyển liên biên giới “nên được triển khai dựa trên những cân nhắc về sức khỏe cộng đồng và không nên hạn chế dòng chảy thương mại trong khu vực”.
Ngay cả hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu tiên trong năm 2020 dự kiến diễn ra vào tháng Tư cũng đã được thông báo hoãn cho tới cuối tháng Sáu.