Đề xuất trang bị vũ khí quân dụng cho kiểm ngư Việt Nam
Ngày 10/7, TVQH đã cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Góp ý cho Pháp lệnh sửa đổi, hầu hết các bộ ngành, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương và Văn Phòng Chính phủ đều thống nhất đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng Kiểm ngư khi thi hành nhiệm vụ.
Kiểm ngư vùng biển Việt Nam sẽ được trang bị vũ khí quân dụng khi thi hành nhiệm vụ. Ảnh IT |
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm ngư, các bộ, ngành thấy đây là lực lượng hoạt động độc lập, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam...
Đây là lực lượng thường xuyên phải đối mặt với các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay mới chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ (theo quy định tại điểm i, khoản 1, điều 19, Nghị định 25/2012/NĐ-CP).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan thống nhất đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng Kiểm ngư khi thi hành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó Bộ Công an và các bộ, ngành đều thống nhất đề nghị không bổ sung quy định trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Về nội dung kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị chủ trương tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ không bắt buộc là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Qua đó việc kinh doanh (mua bán, nhập khẩu, uỷ thác nhập khẩu …) tiền chất thuốc nổ không bị giới hạn chỉ giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như dự thảo Pháp lệnh là hợp lý và cần thiết.
“Việc kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh tiền chất thuốc nổ bằng các điều kiện kinh doanh (tiền kiểm và hậu kiểm) là phù hợp và hiệu quả hơn từ góc độ quản lý nhà nước so với việc kiểm soát chỉ qua nguồn gốc vốn của doanh nghiệp” – VCCI phân tích.
Có cùng quan điểm trên, Bộ Quốc phòng cũng nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Pháp lệnh theo hướng bỏ quy định tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Công thương cũng đồng ý với quan điểm bỏ quy định tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Tuy nhiên ở chiều hướng ngược lại, phía Bộ Tư pháp lại đồng ý với quy định “tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước”.
Theo Bộ Tư pháp thì vật liệu nổ công nghiệp liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự nên cần phải coi là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh việc dành độc quyền cho doanh nghiệp, nhà nước cần phải quy định rõ các điều kiện kinh doanh một cách chặt chẽ và kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt.
Góp ý cho dự thảo này, đa số các thành viên TVQH đều thống nhất với nội dung bỏ quy định tổ chức kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu một băn khoăn: “Nếu mở rộng thì có quản lý được không?”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu quản lý được thì nên cho mở rộng.
Giải đáp băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sản xuất kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải được xem như loại hình kinh doanh có điều kiện, phải có mạng lưới sàng lọc.
“Các loại hình doanh nghiệp được phép kinh doanh thì phải rà soát lại lần nữa các quy định để đảm bảo quản lý chặt chẽ. Qua kiểm tra từ trước đến nay chưa phát hiện được sai phạm nào, nên việc kinh doanh này có thể kiểm soát được chặt chẽ” – Bộ trưởng Hoàng nói.