Để 'vững bước' vào thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cần có tiêu chuẩn gì?
Dù được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng để hiện diện lâu dài, bền vững, sầu riêng Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường này.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Truyền thông – Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT).
Ngày 11/7/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc.
Theo Nghị định thư này, quả sầu riêng tươi Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như về yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Hiện nay, nông sản xuất khẩu đang ngày càng được siết chặt bởi các yêu cầu đối với vùng trồng xuất khẩu. Đây là điều kiện cần thiết, bắt buộc đối với thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính như Trung Quốc.
Để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc cần những điều kiện gì? Thiết lập vùng trồng xuất khẩu có những điều kiện nào? Những câu hỏi này được các doanh nghiệp xuất khẩu và các hộ trồng sầu riêng quan tâm nhiều nhất.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, dù được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng để hiện diện lâu dài, bền vững, sầu riêng Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường này.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Quá trình đàm phán để mở cửa thị trường đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật khởi động từ năm 2018.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác. Đồng thời, sẽ tổ chức tập huấn ngay cho các bên liên quan về yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các bên nhanh chóng đưa sản phẩm sầu riêng tươi đạt yêu cầu sang Trung Quốc.
Hiện sầu riêng Việt Nam đã bắt đầu vào vụ thu hoạch chính. Sầu riêng năm nay mất mùa, dự kiến năng suất giảm gần một nửa so với năm trước nhưng bù lại giá bán tăng cao gần gấp đôi năm trước.
Mùa sầu riêng năm ngoái, người dân Đắk Lắk bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá mua đầu mùa ngay tại vườn đã cao gần gấp đôi.
Thị trường Trung Quốc đã mở, nhưng để sản phẩm sầu riêng có chỗ đứng vững chắc thì người trồng và xuất khẩu sầu riêng tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung cần phải tuân thủ đầy đủ các nội dung đã ký kết.
Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Để được cấp mã số vùng trồng, vùng trồng cần sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại đáp ứng yêu cầu về diện tích canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép nhật kí canh tác, vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại.
Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, kiểm soát được việc sử dụng các thuốc BVTV cấm sử dụng và dư lượng thuốc BVTV trên các loại nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cho đầu ra sản phẩm.
Hiền Anh
Giá sầu riêng đầu vụ tăng cao từ 20-40%
Hiện nay “thủ phủ sầu riêng” ở Tây Nguyên bắt đầu vào vụ thu hoạch, giá sầu riêng năm nay cao hơn từ 20 - 40%.