Đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong học đường
Nhằm góp phần phổ biến pháp luật về giao thông trong trường học, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông của học sinh, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội chú trọng tuyên truyền luật giao thông cho học sinh và lồng ghép nội dung về an toàn giao thông vào tiết học.
Điển hình như, vừa qua Trường Marie Curie (Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông cho học sinh cũng như giáo viên nhà trường.
Tại buổi tuyên truyền, học sinh đã thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông; hậu quả, di chứng, hệ lụy do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội; một số hành vi vi phạm giao thông phổ biến....
Đồng thời, học sinh cũng được giới thiệu các quy tắc khi tham gia giao thông; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật.
Bên cạnh việc truyền tải các thông tin, kiến thức liên quan đến an toàn giao thông, học sinh còn được tham gia các trò chơi, thảo luận các tình huống thường gặp khi tham gia giao thông.
Buổi tuyên truyền đã trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực giao thông đường bộ cho cán bộ, học sinh các trường; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, phòng ngừa vi phạm và tai nạn giao thông.
Em Nguyễn Thúy Ngọc - học sinh Trường Marie Curie cho biết: “Việc cung cấp kiến thức về Luật giao thông đường bộ và đưa ra các tình huống về kỹ năng xử lý tình huống thường gặp trên đường đã giúp các em nắm rõ hơn, cũng như biết cách đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người tham gia giao thông khác.
Khi tham gia giao thông có rất nhiều tình huống bất ngờ mà chúng ta khó lường trước được. Chính vì thế, việc trang bị sẵn các kiến thức, kỹ năng xử lý trên đường là vô cùng cần thiết. Với bản thân em, việc đầu tiên khi tham gia giao thông là phải đội mũ bảo hiểm. Trong quá trình điều khiển phương tiện, mình phải tập trung quan sát thật kỹ, nhất là khi sang đường, rẽ trái/phải... Đặc biệt, không đi quá nhanh”.
Đại diện nhà trường cho biết, trong vai trò là những nhà giáo dục, các thầy cô giáo phải vừa là những tấm gương về tuân thủ, thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông vừa là người giáo dục, tuyên truyền cho các em những nội dung này thông qua các hoạt động dạy học.
Nội dung giáo dục, tuyên truyền nói trên có thể được thực hiện trực tiếp trong các giờ sinh hoạt ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm, cũng có khi được lồng ghép trong các tiết học của từng bộ môn.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh nội dung về giáo dục an toàn giao thông luôn được ngành đặc biệt chú trọng, quan tâm cả trong chương trình giáo dục chính khoá và ngoại khoá.
Theo đó, thời gian qua 100% trường đều triển khai tuyên truyền, giáo dục tới học sinh quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm nhưng thực tế vẫn còn tình trạng các em không tuân thủ, cả khi các em tự điều khiển phương tiện hoặc đi cùng với bố mẹ. Do đó, Sở đã yêu cầu và đề nghị nhà trường tuyên truyền việc bảo đảm an toàn giao thông và ký kết không chỉ với học sinh mà còn với cha mẹ học sinh.
Hoàng Thanh