Dạy học sinh biết yêu lao động qua mô hình vườn rau trường học

Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp, các em học sinh lại cùng nhau tưới nước, nhổ cỏ, bón phân…, chăm sóc cho vườn rau thêm xanh tốt

Gần đây, mô hình trồng rau sạch đã được triển khai tại các trường học trên địa bàn xã Tân Thượng (Di Linh- Lâm Đồng), qua đó góp phần giáo dục kỹ năng sống, giúp các em biết quý trọng thành quả lao động của mình và người khác.  

Sau giờ học, hàng trăm em học sinh Trường Tiểu học Tân Thượng 1 vội vã cất cặp sách rồi cùng nhau đến vườn rau tưới nước, bắt sâu, chăm sóc cho vườn rau của lớp mình. Từ năm học 2021 - 2022, Ban Giám hiệu và Liên đội Trường Tiểu học Tân Thượng 1 bắt đầu triển khai mô hình trồng rau sạch. Vườn rau có diện tích gần 400 m2 với nhiều loại rau như cải xanh, rau muống, su su, đậu rồng...  

Vườn rau của Trường Tiểu học Tân Thượng 1 tạo môi trường thư giãn rất bổ ích cho các em sau những giờ học tập căng thẳng. Ảnh: Thúy Hằng

   Vườn rau là thành quả lao động trong thời gian rảnh rỗi của thầy và trò nhà trường. Hiện nay, khu vườn trở thành không gian giúp học sinh trải nghiệm những kiến thức thực tế, thực hành môn Công nghệ, Sinh học... 

Các em học sinh rất hào hứng, tích cực khi được cùng thầy cô chăm sóc vườn rau. “Học mà chơi, chơi mà học”, đây chính là những giờ học ngoại khóa hết sức bổ ích, giúp học sinh có thêm cơ hội ôn tập lại kiến thức các môn khoa học tự nhiên, đồng thời học cách làm việc nhóm, biết phối hợp, chia sẻ công việc với tập thể...

Cô Phạm Thị Thùy, giáo viên phụ trách Đội Trường Tiểu học Tân Thượng 1 chia sẻ, mô hình trồng rau xuất phát từ ý tưởng tận dụng thời gian rảnh để các em thực hành trồng rau, nâng cao kỹ năng sống, bổ trợ kiến thức thực tiễn trong cuộc sống, biết yêu lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vườn rau còn là môi trường để học sinh trải nghiệm thực tiễn sau khi học lý thuyết trên lớp học, nhất là đối với môn Công nghệ.   

Để vườn rau hình thành, nhà trường cho các lớp tự trích quỹ, đăng ký mua giống các loại rau để vườn rau được phong phú về chủng loại. Nhà trường cũng khuyến khích cho học sinh tự tính toán, thu hái và đem bán thành phẩm cho các giáo viên trong trường cũng như các bậc phụ huynh có nhu cầu sử dụng rau sạch. Số tiền thu được sẽ trích một phần đóng vào Quỹ Nhân đạo của nhà trường. Được biết, trong năm học 2021-2022, từ tiền bán rau sạch, Quỹ Nhân đạo của nhà trường đã thu gần 8 triệu đồng, số tiền này được dùng để mua quà và hỗ trợ cho 6 cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Thượng.       

Vườn chuối rộng hơn 1 ha của Trường Trung học cơ sở Tân Thượng cũng là địa điểm yêu thích của thầy và trò. Em K’Tuyên, học sinh lớp 9 cho biết: “Từ khi trồng vườn chuối, em mê lắm, sau buổi học hoặc có thời gian rảnh rỗi là em ra chăm sóc, xem cây lớn tới đâu. Chỉ cần tới đây là mọi căng thẳng của giờ học tan biến mất. Vườn cây giúp ích em rất nhiều trong các kỹ năng để hoàn thiện bản thân hơn. Em học được cách làm việc nhóm, học cách sống gần gũi với thiên nhiên, học cách trồng trọt và chăm sóc, đặc biệt là thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ để mình cố gắng học tập hơn nữa”.   

Cô Phạm Thị Thuý Hằng, Tổng phụ trách Đội của Trường Trung học cơ sở Tân Thượng cho biết, bắt đầu từ tháng 5/2022, thấy quỹ đất của trường lớn, bỏ không thì phí nên trường quyết định trồng vườn chuối. Cây trồng được huy động từ nhà của các em học sinh, phân bón cho cây trồng nhà trường cũng tự ủ. Hàng tuần cứ vào thứ Năm, học sinh sẽ chăm sóc vườn cây, mỗi lớp phụ trách một luống cây, các em chia nhau ra chăm sóc, tự mình cuốc cỏ, bón phân cho cây và thu hoạch...

Mô hình vườn cây của nhà trường nhằm giáo dục học sinh yêu lao động và giúp học sinh thư giãn sau giờ học. Đồng thời, sản phẩm của vườn cây cũng được bán để gây quỹ hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó học tập.  

Ở Tân Thượng, với đặc thù hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc trồng rau của các trường học mang lại ý nghĩa thiết thực, bổ sung thêm hiểu biết thực tế cho các em ngoài các tiết học lý thuyết trên ghế nhà trường. Mô hình còn tạo điều kiện để học sinh rèn luyện mình, có ý thức về lao động, biết trân trọng những thành quả lao động, gắn việc học đi đôi với hành.

Song song với công tác trồng rau sạch cung cấp thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của học sinh là công tác xây dựng cảnh quan trường lớp. Để cảnh quan trường, lớp đẹp, có nhiều hoa, cây xanh, nhà trường phát động phụ huynh cùng đóng góp công lao động và cây. Gia đình nào có cây rau thì ủng hộ cây rau, có cây cảnh thì ủng hộ cây cảnh để trồng tạo cảnh quan đẹp mắt. 

Qua đó giúp các con có thể học hỏi được thêm kiến thức về các loại rau, bồi đắp tình yêu với thiên nhiên.

Thúy Hằng

Cuộc thi sáng tạo STEM thu hút hàng trăm nghìn giáo viên, học sinh tham gia

Cuộc thi nhằm đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp sáng tạo.

Giảng viên trình độ giáo sư, tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay quy mô và chất lượng giảng viên được nâng lên rõ rệt trong những năm qua. Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng, số người có trình độ tiến sĩ bằng cả nước cộng lại.

'Khóc ròng' ở trường quốc tế học phí tiền tỷ: Đi không được, ở cũng không xong

Tin tưởng nhà trường, không ít phụ huynh ‘xuống tiền’ cho vay từ vài tỷ đến chục tỷ. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập với mức chi phí 0 đồng. Đây cũng là nguồn cơn khiến nhiều phụ huynh ‘khóc ròng’ vì chờ mòn mỏi nhưng không đòi được “nợ”.

Học sinh lớp 11 Hà Nội lọt nhóm đầu tư chứng khoán xuất sắc tại trường Mỹ

Trong vòng 1 tháng khi tham gia trên sàn giao dịch chứng khoán ảo, Thái Toàn làm tăng khối lượng “tài sản” từ 1 triệu USD lên 7,5 triệu USD.

Tình tiết lạ vụ học sinh nghi bị thầy giáo đánh phù nề vùng đầu

Một số học sinh khẳng định thầy giáo có dùng que nhỏ đánh vào đầu Q., nhưng số khác cho biết do Q. đi xe đạp buông hai tay nên bị ngã ra đường.

Dòng họ nức tiếng có 3 cha con cùng đỗ tiến sĩ, nhiều năm làm quan lớn

Dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh vang danh cả nước về truyền thống hiếu học, khoa bảng, có nhiều hiền tài được sử sách lưu danh. Trong đó, có 3 cha con Phan Huy Cẩn cùng đỗ tiến sĩ, đóng góp nhiều công trạng cho đất nước.

Ngôi làng nhỏ có đến hàng trăm giáo sư, tiến sĩ

Làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) được biết đến là “làng khoa bảng”, nơi đây vẫn còn tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ. Tiếp bước truyền thống hiếu học, đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ.

Thủ khoa tốt nghiệp sớm 1 năm, điểm cao nhất trong lịch sử Kinh tế Quốc dân

Hoàn thành chương trình tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ trong 3 năm với bảng điểm 100% đạt A và A+, Nguyễn Hoàng Dương trở thành thủ khoa có điểm cao nhất trong lịch sử của ngôi trường này.

Dòng họ có 2 cha con tiến sĩ làm quan to, cuối đời từ chức vì 'quá vinh hiển'

Trong số 82 văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám có khắc tên hai cha con cùng đỗ đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải và Tiến sĩ Giáp Lễ. Những giai thoại kể về sự hiếu học và đỗ đạt vinh hiển ấy luôn là niềm tự hào của dòng họ Giáp tại Bắc Giang.

Nữ sinh Hà Nội được 6 đại học Mỹ chào đón, có trường cấp học bổng 8,4 tỷ

Là một trong 25 ứng viên nhận được học bổng toàn phần, xét chọn từ 12.500 hồ sơ, Trâm Anh sẽ được cấp 8,4 tỷ đồng nếu theo học tại Đại học Richmond (Mỹ).

Đang cập nhật dữ liệu !