Đau tức ngực, cụ ông được phát hiện động mạch chủ phình to như cổ tay
Theo các bác sĩ, với các trường hợp bị lóc tách, đặc biệt vỡ khối phình quai động mạch chủ là cấp cứu tối khẩn cấp nguy cơ tử vong trên 90% trước khi đến bệnh viện.
Ông Hoàng Văn L. 66 tuổi, địa chỉ Hương Nộn – Tam Nông – Phú Thọ là một trong số người bệnh bị phình lớn quai động mạch chủ đe dọa vỡ đã được phẫu thuật thành công thời gian qua tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ.
Ông L. có tiền sử tăng huyết áp, đã phải đặt Stent động mạch vành do nhồi máu cơ tim. Bản thân ông L. luôn ý thức bảo vệ sức khỏe, khám định kỳ và điều trị theo đơn của bác sỹ. Tuy nhiên, người bệnh cũng không được phát hiện phình quai động mạch chủ cho đến ngày 22/6/2021. Khối phình được phát hiện do người bệnh đau, tức nặng ngực ngày một tăng dần.
Động mạch chủ ngực bao gồm cả đoạn quai, kích thước bình thường là 3 – 3,5 cm. Tuy nhiên, khối phình đoạn quai động mạch của ông Hoàng Văn L. khi phát hiện là 6,09 cm, nguy cơ vỡ rất cao nhất là khi tình trạng đau, tức ngực ngày một tăng lên. Trong khi các khảo sát khả năng nhồi máu cơ tim tái phát là không có.
Ảnh minh họa. |
Trước tình hình đó, dựa trên dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sỹ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện tỉnh Phú Thọ xác định người bệnh có nguy cơ vỡ khối phình.
Bác sỹ Ngô Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết: “Người bệnh có khối phình lớn, đe dọa vỡ cao, chỉ định phẫu thuật là bắt buộc. Trước đây, các trường hợp phình động mạch chủ ngực đều phải chuyển lên tuyến Trung ương để can thiệp”.
Với sự nhất trí cao từ phía chuyên môn và người bệnh, gia đình người bệnh. Ca phẫu thuật cho ông Hoàng Văn L. đã được thực hiện thành công vào ngày 30/6/2021 tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ với sự góp sức của toàn bộ Trung tâm Tim mạch, đặc biệt là Đơn vị phẫu thuật và Đơn vị can thiệp mạch.
Khối phình đoạn quai động mạch chủ lớn, có 2 phương án có thể thực hiện. Một là phẫu thuật mở, cưa xương ức, kẹp 2 đầu khối phình, cắt và thay đoạn mạch nhân tạo, có sự hỗ trợ của tim phổi máy. Đây là phương pháp có thể thực hiện ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, phẫu thuật mở, xâm lấn nhiều, nguy cơ chảy máu, suy hô hấp, viêm xương ức, đau sau mổ cao, kỹ thuật thực hiện phức tạp. Phương án hai là, can thiệp nội mạch, đặt stent graft trong lòng khối phình, loại bỏ nguy cơ vỡ.
Theo bác sỹ Đỗ Viết Thắng - Phó trưởng Đơn vị can thiệp mạch cho biết: “Đặt Stent Graft loại bỏ nguy cơ vỡ khối phình động mạch là kỹ thuật nhẹ nhàng, mang nhiều lợi ích cho người bệnh, giảm thiếu nguy cơ, biến chứng so với phẫu thuật mở, hậu phẫu nhẹ nhàng, chóng hồi phục. Đặc biệt với người bệnh Hoàng Văn L. đã đặt stent mạch vành, cao tuổi, tăng huyết áp, thể trạng yếu, tuy nhiên chi phí cao”.
Người bệnh đã được 2 kíp phẫu thuật và can thiệp nội mạch cùng tham gia. Phẫu thuật bắc cầu động mạch cảnh – cảnh, cảnh – dưới đòn. Can thiệp nội mạch đặt Stent Graft qua khối phình. Cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, không tai biến xảy ra. Tổng thời gian phẫu thuật và can thiệp là gần 4 tiếng đồng hồ. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, tự thở, giao tiếp tốt sau phẫu thuật 10 giờ.
Bác sỹ Hán Văn Hòa – Phó trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực cho hay: “để Stent Graft phủ hết khối phình, loại bỏ nguy cơ vỡ, chiều dài Stent Graft sẽ che lấp động mạch cảnh và động mạch dưới đòn trái. Do đó, phẫu thuật nối động mạch cảnh – cảnh, cảnh dưới đòn để đảm bảo tưới máu não bình thường sau khi đặt Stent. Phẫu thuật Hybrid – vừa phẫu thuật, vừa can thiệp nội mạch cùng thì, đảm bảo an toàn kiểm soát huyết động hơn cho can thiệp và người bệnh không phải chịu 2 lần gây mê khác nhau”.
K.Chi