Đấu trí với 'tử thần' cứu cô gái trẻ sốc phản vệ do dùng thuốc
Cả ê kíp bác sĩ đã đấu trí với “tử thần” để cứu cô gái trẻ vừa ra trường bị sốc phản vệ.
Bệnh nhân nữ (hơn 20 tuổi, trú tại Hà Nội) bị sốc phản vệ với thuốc A, đã được các bác sĩ tại BV Mắt Trung Ương cấp cứu theo phác đồ phản vệ, tình trạng không đáp ứng, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn, được cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Sau khi được điều động, tiếp nhận thông tin, các bác sĩ Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn đã ngay lập tức tới cùng đồng nghiệp hỗ trợ cấp cứu ngừng tuần hoàn, bệnh nhân liên tục rung thất, được sốc điện 3-4 lần, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn 40 phút bệnh nhân có mạch trở lại, được vận chuyển ngay lập tức về BV Thanh Nhàn.
Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân trong tình trạng: đồng tử 4mm, còn phản xạ yếu với ánh sáng; da, niêm mạc tái nhợt; huyết áp không đo được, khí máu toan chuyển hóa nặng, lactat >15, đã được hỗ trợ thêm các loại thuốc vận mạch.
Bệnh nhân được hỗ trợ thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, catheter đùi lọc máu, sau 1h tình trạng không cải thiện, máu từ nội khí quản trào ra liên tục, HA dao động: 40/20, Sp02: 45- 50%, chức năng tim: EF: 15-20%. Các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc vận mạnh cho bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân trẻ bị sốc phản vệ do dùng thuốc. |
Bác sĩ Phạm Huy Khánh – khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ: Khi đang dùng thuốc vận mạch, mà đến chúng tôi không còn muốn tính liều nữa, vì liều đã lên không tưởng vì mục tiêu chúng tôi là cứu bệnh nhân”.
Người nhà bệnh nhân thì liên tục than khóc: “Xin các bác sĩ hãy cứu con tôi, cứu con tôi …, bao nhiêu tiền chúng tôi không quan trọng, chúng tôi chỉ cần nó sống, nó còn quá trẻ, nó mới ra trường.
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân với tâm trạng “làm đi còn gì để mất”. Một cuộc hội chẩn nhanh chóng của khoa Hồi sức tích cực. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - trưởng khoa, bác sĩ Lê Văn Dẫn – phó khoa, bác sĩ Nguyễn Tài Đạt để đưa ra phương pháp cứu cánh cuối cùng, dù biết tỉ lệ đáp ứng có thể rất thấp.
Các bác sĩ cấp cứu cho người bệnh. |
Ngay lập tức 1 ekip đã được setup: trong vòng 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân đã vào ECMO V-A bằng kỹ thuật Seldinger, hạ thân nhiệt bảo vệ não, lọc máu …Trong quá trình theo dõi: Bọt hồng vẫn trào ra liên tục, dịch dạ dày là dịch máu, nhịp tim chậm, nhiều khi không thấy đập bệnh nhân xuất hiện tràn khí màng phổi phải mở màng phổi dẫn lưu cả máu và khí, chảy máu qua các canuyn ECMO…
Có lúc bác sĩ tưởng trừng như thất bại, nhưng đã làm thì phải đến đích. Sau bao nỗ lực, “thần chết cũng phải buông tay”, nỗ lực của tập thể y bác sĩ đã không phụ lòng tất cả.
Qua theo dõi hàng ngày, chức năng tim và phổi hoạt động tốt hơn, ý thức bệnh nhân tỉnh hơn, có thể kết thúcECMO vào ngày thứ 7, rút máy thở vào ngày thứ 9, bỏ thở không xâm nhập sau 2 ngày. Bệnh nhân dần tỉnh táo hoàn toàn, thở oxy kính.
Cuộc đấu trí với tử thân của các y bác sĩ cũng đã có kết quả, bệnh nhân được cứu chữa. Những giây phút “rượt đuổi” không có đích đến cuối cùng đã thành công. Bệnh nhân đã khoẻ lại và trở về cuộc sống bình thường.
Nhắc lại ca bệnh, bác sĩ Khánh vẫn cảm thấy như một cuộc đấu trí với thần chết và cảm xúc ca cấp cứu như vừa ngày hôm qua. Nhìn bệnh nhân khoẻ mạnh ra viện, đi làm lại các bác sĩ đều vô cùng vui vẻ. Mỗi lần tái khám, sức khoẻ bệnh nhân đều ổn định.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ.
Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo… đều có thể gây sốc phản vệ.
Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Các loại thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ.
Vì vậy, sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Khánh Chi