Đâu là ưu tiên chiến lược thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông?

Sáng 18/11, tại Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần 6 do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tiếp tục ngày làm việc thứ hai

Trung Quốc nỗ lực thực thi chính sách phong tỏa Biển Đông

Với 8 bài phát biểu và nhiều ý kiến đóng góp, các chuyên gia, học giả đã tập trung đi sâu vào hai chủ đề “Quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông” và “Luật pháp quốc tế: Đất liền, đại dương và bầu trời” dưới sự chủ tọa của GS. Carl Thayer (Đại học Neww South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) và GS. Borhan Uddin Khan (Khoa Luật, Đại học Dhaka, Bangladesh).

Đâu là ưu tiên chiến lược thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông? - ảnh 1

GS. Carl Thayer (Đại học Neww South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) trao đổi với TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện phó Viên Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) bên lề cuộc hội thảo (Ảnh: HC)

Theo GS Leszek Buszynski (Đại học Quốc gia Úc), với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình, để cho thế giới thấy những biểu hiện hữu hình của một siêu cường.

“Tham vọng hướng biển của Trung Quốc có thể nhìn thấy ở các vùng biển phía Đông Trung Quốc (Hoa Đông) và Biển Đông, nơi những nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy yêu sách ngày càng trở nên quyết liệt trong những năm gần đây. Trung Quốc đã nỗ lực thực thi chính sách phong tỏa Biển Đông để biến khu vực này thành lãnh thổ của Bắc Kinh. Tham vọng biển của Trung Quốc đối với khu vực này đã kích thích phản ứng của Mỹ Và Nhật Bản, qua đó dẫn đến một sự cạnh tranh im lặng mà theo thời gian có thể trở nên công khai hơn” – GS Leszek Buszynski nói.

Ông cũng nêu rõ, mối quan tâm của Trung Quốc đối với trữ lượng dầu khí và cá ở Biển Đông là quan trọng, nhưng điều đó không thể hiện đầy đủ toàn bộ câu chuyện. Nếu họ chỉ cần những lợi ích này thì vấn đề tranh chấp sẽ được giải quyết trên cơ sở tính hợp pháp với các nước ASEAN và đã không có một sự leo thang căng thẳng tại vùng biển này kể từ năm 2009 đến nay. Trên thực tế, giải pháp cho vấn đề tranh chấp vẫn đang lẩn tránh các bên liên quan ở Biển Đông trong khi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với các nước ASEAN trong việc công nhận tuyên bố chủ quyền của họ đối với khu vực này.

Điều đó cho thấy Bắc Kinh có những ưu tiên chiến lược khác nữa ở Biển Đông, như: Phong tỏa hải quân đối với Đài Loan; phản đối việc Nhật Bản xây dựng hải quân ở Biển Đông và ngăn chặn Nhật Bản đạt được lợi thế trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư; mở đường cho lực lượng hải quân Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để bảo vệ các tuyến đường biển mở rộng, đặc biệt là tuyến đường huyết mạch dầu mỏ tới Trung Đông; có được một khu vực phòng thủ cho tàu ngầm tên lửa (SSBN) nhằm tạo cơ sở cho một cuộc phản công bằng hạt nhân chống lại Mỹ.

“Chính những chiến lược này đã ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào tiến tới giải pháp cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và khiến Bắc Kinh tăng cường các động thái để loại trừ các nước ASEAN cũng như kìm hãm các cường quốc bên ngoài khu vực. Một khi họ dành ưu tiên cho chiến lược này và thiết lập kế hoạch cho các căn cứ phòng thủ hoàn chỉnh thì đó sẽ là lúc Bắc Kinh chuẩn bị áp đặt tuyên bố chủ quyền độc tôn của mình trên Biển Đông. Điều này sẽ bật đèn xanh cho các cơ quan có liên quan của Trung Quốc thực thi các quy định về đánh bắt cá và các công ty dầu khí như CNOOC triển khai những giàn khoan dầu lớn nhất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” – GS Leszek Buszynski nêu rõ.

“Đường 9 đoạn” không thể làm thay đổi chủ quyền hợp pháp của Việt Nam

GS Michael Yahuda, Giáo sư Danh dự về Quan hệ quốc tế, trường Khoa học chính trị và Kinh tế London (Đại học London, Anh) còn lo ngại chính tham vọng trở thành cường quốc biển đã khiến Trung Quốc có quan niệm mới về cấu trúc an ninh khu vực châu Á. Bức tranh địa chính trị châu Á do vậy trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt, khiến cho vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp và khó giải quyết.

Đâu là ưu tiên chiến lược thực sự của Trung Quốc ở Biển Đông? - ảnh 2

TS. James Charles Kraska (Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) thảo luận với các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: HC)

Ông nhấn mạnh: “Sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế làm giảm thiểu chiến tranh là sự thật của thế giới hơn 200 năm qua. Nhưng với Biển Đông thì không, bởi Trung Quốc là một quốc gia mà hành vi và chuẩn mực không được quốc gia nào chấp thuận. Họ phát triển theo cách không quan tâm, không tham vấn, không minh bạch... Việc xây dựng các thủy điện ở thượng nguồn Mê Kong, việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lấn át và coi thường lợi ích của người dân, doanh nghiệp địa phương của quốc gia sở tại, các hành động đơn phương với láng giềng... là hình ảnh rõ nét nhất”.

Trong bối cảnh tranh chấp giữa các nước trong khu vực liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế, các học giả đã tập trung phân tích chế độ pháp lý đối với các thực thể trên biển, các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực nhận diện phòng không tại các khu vực chồng lấn; kinh nghiệm áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Đáng chú ý, TS. James Charles Kraska, Giáo sư, Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) đã có bài phân tích quá trình hình thành quy định về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Theo đó các quốc gia ven biển có thẩm quyền đặc biệt để phát triển và quản lý quy chế bảo tồn các nguồn tài nguyên trong EEZ của mình. Trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là có cơ sở pháp lý vững chắc theo luật pháp quốc tế.

“Chiếu theo chế độ pháp lý và mục đích của EEZ có thể thấy rõ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông. Quá trình đàm phán theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các phán quyết tòa án quốc tế cho thấy rằng chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng EEZ ở Biển Đông đều có lợi cho Việt Nam. Dù Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa, hoặc đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, cũng không thể làm thay đổi quyền hợp pháp của Việt Nam đối với EEZ này” - TS. James Charles Kraska nêu rõ.

Các học giả đặc biệt nhấn mạnh, trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn nhằm biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Giải pháp thực tế và phù hợp nhất hiện nay là các bên cùng xây dựng các quy tắc ứng xử để bảo đảm hành động của mình phù hợp với thực tiễn luật pháp quốc tế và không làm gia tăng va chạm, tranh chấp tại Biển Đông. Trong đó, GS. Borhan Uddin Khan (Khoa Luật, Đại học Dhaka, Bangladesh) đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập các cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông. 

HẢI CHÂU

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !