Đất vàng xây Kho bạc Nhà nước 20 năm chưa xong giải phóng mặt bằng
Những thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi họp báo do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức vào chiều 2/10. Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Hoàn Kiếm Nguyễn Ngọc Khang cho biết, dự án xây dựng trụ sở Kho bạc Nhà nước tại góc phố Ngô Quyền – Trần Hưng Đạo được thành phố cấp giấy phép từ năm 1993. Hai năm sau thành phố ra quyết định thu hồi đất để phục vụ dự án.
Tuy nhiên từ đó đến nay đã 20 năm nhưng dự án vẫn chưa hoàn tất khâu GPMB. Hiện chỉ có 10 hộ dân và một Nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà đã thực hiện di chuyển. Còn 15 hộ dân (trong đó có 5 hộ mặt phố Ngô Quyền, 1 hộ mặt phố Trần Hưng Đạo) chưa đồng ý phương án đền bù và chưa thực hiện di dời. Dự án này đã nhiều lần phải điều chỉnh tăng mức giá đến bù. Tổng số đất ở bị thu hồi của 15 hộ dân là 554,15 m2 với tổng số tiền đền bù đang áp dụng hiện nay là trên 47 tỷ đồng. Tổng số tiền này cao hơn gấp 3 lần thời điểm năm 2004 khi lúc đó tổng số tiền đền bù cho 15 hộ dân trên chỉ với trên 16 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo chiều 2/10, quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế nếu người dân không di dời. Ảnh LD |
Trả lời thắc mắc về việc các hộ dân di dời trước đây bị thiệt thòi vì mức giá đền bù thời điểm đó thấp hơn so với hiện nay, ông Khang cho biết “trước đây các hộ dân đã di chuyển được hưởng chính sách thấp hơn, đổi lại họ được mua đất tái định cư rẻ hơn. Thời điểm này mức đền bù tuy có cao hơn trước nhưng giá đất tái định cư cũng cao hơn”.
Vậy trong trường hợp các hộ dân tiếp tục không đồng tình, việc xử lý sẽ ra sao? Ông Khang quả quyết: “Trong suốt 20 năm chính quyền địa phương đã tổ chức thực hiện trên nguyên tắc vận động dân chủ, bên cạnh đó còn xin thành phố cho áp dụng cơ chế đặc thù. Nhưng việc khiếu kiện vẫn kéo dài, các hộ dân đòi hỏi quyền lợi vượt quá thẩm quyền và chính sách chung của nhà nước. Sang năm giá đền bù sẽ tăng lên 20%, giá nhà tài định cư cũng sẽ tăng lên 20%. Sự kiên trì chỉ có giới hạn, chừng ấy năm đã là quá đủ. Đã đến lúc phải thực hiện biện pháp hành chính (cưỡng chế - PV) để di chuyển nếu các hộ dân tiếp tục không đồng tình”.
Lý giải thêm về công tác đền bù GPMB của quận, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban bồi thường GPMB quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, việc GPMB luôn là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp vì khu vực quận Hoàn Kiếm có mức giá đất cao nhất thành phố. Trước đây trên địa bàn quận đã thực hiện GPMB cho 46 công trình, nhưng chưa phải thực hiện cưỡng chế bất cứ một công trình nào. Một dự án gần đây chỉ có một hộ dân trên phố Hàng Bài không đồng thuận, nhưng trước khi việc cưỡng chế diễn ra, hộ dân này đã đồng ý di chuyển.
Trụ sở Kho bạc Nhà nước được xây dựng tại khu vực trung tâm thành phố Hà Nội trên phố Ngô Quyền. Ảnh PL |
Theo ông Hùng, 20 năm chưa phải là thời gian GPMB lâu nhất trên địa bàn quận. Dự án xây dựng trụ sở cho cơ quan Phòng cháy chữa cháy phải thực hiện trong vòng 40 năm mới hoàn tất khâu GPMB. Nhưng ông Hùng cho rằng, trụ sở Kho bạc Nhà nước là dự án khó khăn nhất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tính cho đến thời điểm này.
Ông Hùng còn cho biết, quận Hoàn Kiếm đã ba lần gửi giấy mời tới các hộ dân đến gắp thăm. Nhưng người dân không đến và đã đóng gói, rồi gửi trả lại giấy mời cho quận theo đường bưu điện. Tuy nhiên trong tháng 10, đầu tháng 11 này quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức bốc thăm căn hộ tái định cư cho các hộ trong diện GPMB.
“Trường hợp các hộ dân không đến bốc thăm, lúc đó sẽ phải bốc thăm hộ. Số tiền đền bù sẽ được gửi vào ngân hàng với lãi suất tiết kiệm không thời hạn. Sau 20 ngày chúng tôi sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi GPMB theo quy định. Nhà nước không muốn thực hiện cưỡng chế, nhưng nếu người dân cố tình không thực hiện chúng tôi sẽ phải áp dụng biện pháp này” – ông Hùng nói.