Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần đẩy mạnh công tác tu
Đào tạo nghề là nhu cầu thiết thực đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Được đào tạo nghề cơ bản, người lao động có nhiều cơ hội xin việc trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng, đối với địa phương còn nghèo như Cần Giờ, việc vận động người tham gia học nghề là vấn đền khó khăn. Bởi đa số người lao động là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh nghèo khó, nghề nghiệp không ổn định…nên người dân chưa tha thiết với nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị về nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo tay nghề, 3 năm qua, huyện đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến từng hộ gia đình đến nay công tác này đã từng bước mang lại hiệu quả.
Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng lao động thương binh và xã hội huyện huyện phối hợp các Trung tâm dạy nghề thành phố và huyện mở 101 nghề ngắn hạn, đào tạo được 2.111 lao động. Các lớp dạy nghề đều đáp ứng nhu cầu thổ nhưỡng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình như các lớp: sản xuất muối trải bạt, nuôi tôm, chăn nuôi heo, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật xây dựng, làm bánh kem, nấu ăn, may công nghiệp… đã giúp nhiều gia đình áp dụng ngay vào sản xuất, tránh nhiều rủi ro, phát triển kinh tế gia đình.
Tổng kinh phí, huyện đã chi cho công tác đào tạo nghề theo quyết định 1956 trong 3 năm qua gần 1,5 tỷ đồng. Một trong những đơn vị có nhiều phương pháp cụ thể, thiết thực trong công tác vận động người lao động học nghề là TTDN huyện. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chiêu sinh, tư vấn, thông tin các chế độ chính sách giúp người dân hiểu được quyền lợi của mình khi học nghề. Những tổ nhân dân có từ 20 -25 người được tổ chức tư vấn và thời gian tư vấn cũng được phân bổ hợp lý, buổi sáng từ 10g - 11g30, chiều 16g - 17g30 sau khi người dân đi làm về, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Có thể khẳng định, mỗi lớp đào tạo nghề ngắn hạn được tổ chức tại địa phương là nỗ lực rất lớn của người dạy và người học. Giáo viên xây dựng giáo án và cách truyền đạt phù hợp trình độ, lứa tuổi từng học viên. Cô Huỳnh Thị Noel - Giáo viên TTDN huyện cho biết: “ học viên tham gia lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau nên tiếp thu cũng khác nhau. Đối với học viên tiếp thu chậm, chúng tôi quan tâm nhiều hơn và hướng dẫn kỹ hơn. Niềm vui lớn nhất của giáo viên đứng lớp là kết thúc khóa học, học viên có thể vận dụng để phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là động lực giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm tốt nhiệm vụ trong thời gian qua”.
Ngoài Lý Nhơn đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề theo tiêu chí nông thôn mới thì Tam Thôn Hiệp cũng là địa phương rất quan tâm việc vận động người lao động học nghề. Nhiều chị em sau khi hiểu được giá trị của lớp học cho biết sẽ vận động gia đình, người thân, bạn bè tham gia những lớp tiếp theo được tổ chức tại địa phương. Các lớp như: nấu ăn, bắt bông kem, trang điểm… đã giúp nhiều chị nâng cao tay nghề, nhận nấu ăn các đám tiệc hoặc mở tiệm tại nhà.
Để tổ chức được các lớp nghề, lớp tập huấn ngắn hạn phải ghi nhận những đóng góp của các ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân. Điển hình, Phòng LĐTB & XH huyện phát hành tài liệu đào tạo nghề đến từng tổ nhân dân. UB.MTTQ huyện triển khai các chủ trương, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Hội LHPN huyện, phối hợp trường trung cấp nghề mở lớp cho hội viên. Phòng kinh tế, Hội nông dân huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, nuôi trồng thủy sản giúp hội viên, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, địa phương thiếu quan tâm và chưa chú trọng đến công tác đào tạo nghề. Tuy còn đó rất nhiều khó khăn trong công tác vận động, do người dân chưa hiểu hết về hiệu quả của việc học. Nhưng với sự quyết tâm và vì lợi ích đời sống người dân, cần xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và giúp người dân có cách nhìn đúng đắn hơn về học nghề. Ngoài ra, các mô hình như: đan lưới thể thao, kết hạt cườm, may giày da… tại các địa phương đang thu hút nhiều lao động tham gia, rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng xây dựng giáo án, tập huấn ngắn ngày để cấp chứng nhận thì số lượng lao động qua đào tạo sẽ tăng lên đáng kể.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 là một chủ trương đúng đắn nhưng cần có một lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm “ mưa dầm thấm lâu ” giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề. Điều quan trọng hơn, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền và không phải làm ngày một ngày hai mà phải có sự đồng bộ, có quyết tâm góp phần phát triển kinh tế từng gia đình và xây dựng đề án nông thôn mới tại mỗi địa phương.