Đằng sau việc ACB tuyên bố "ngừng hợp tác" với 2 hãng bảo hiểm
Thông tin Ngân hàng ACB sẽ ngừng hoạt động phân phối 2 sản phẩm bảo hiểm để chơi riêng với 1 hãng mới gây chú ý khi cuộc bắt tay ngân hàng-bảo hiểm được coi là “gà đẻ trứng vàng”
Thông báo của ACB gửi các khách hàng đăng trên website của ngân hàng về việc ngừng phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của 2 hãng AIA và Manulife. |
Ngày 2/12/2020, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bất ngờ ra thông báo gửi các khách hàng về việc ngừng phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Công ty TNHH BHNT AIA và Công ty NHHH BHNT Manulife Việt Nam.
Theo đó, ACB cho hay sẽ ngừng hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm của AIA và Manulife Việt Nam tại tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của ACB trên toàn quốc kể từ ngày 2/12/2020.
Nhà băng này cũng khẳng định việc ngừng hợp tác này sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng đối với các hợp đồng bán bảo hiểm đã mua từ hai công ty trên.
Thông tin này khiến giới ngân hàng xôn xao bởi thu nhập từ dịch vụ bán bảo hiểm đang được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng bấy lâu nay, nay bỗng dưng ACB lại ngừng hợp tác với hai đối tác bảo hiểm.
Tuy nhiên, khi PV liên hệ với số hotline của ngân hàng và được cho hay, ACB sẽ chỉ phân phối độc quyền sản phẩm BHNT của Công ty TNHH BHNT Sun Life Việt Nam kể từ tháng 12/2020.
Trên thực tế, hai bên đã “bí mật” ký kết hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm từ trước đó, lễ ký kết diễn ra vào ngày 18/11/2020 tại TP.HCM. Được biết, ACB và Sun Life Việt Nam sẽ "bắt tay" nhau trong thời hạn 15 năm.
Tuy nhiên, phía ACB cũng như Sun Life chưa có bất cứ thông báo chính thức về việc hợp tác này, nhưng theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc kí hợp đồng bảo hiểm độc quyền sẽ giúp cho ACB có được khoản phí trả trước khá lớn. Với tập khách hàng hiện có, BVSC ước tính mức phí trả trước có thể hơn 90 triệu USD (2.100 tỉ đồng).
Còn bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng đánh giá mức phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể vào khoảng 2.500 đến 3.000 tỉ đồng. Còn theo nguồn tin của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mức phí trả trước mà ACB nhận được lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỉ đồng).
Việc Sun Life Việt Nam đủ khả năng “hất cẳng” hai ông lớn AIA và Manulife ra khỏi hệ thống phân phối của ACB cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường BHNT hiện nay.
Điều đáng nói là cuối năm 2019, ACB cũng từng ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với công ty bảo hiểm đến từ Hồng Kông, FWD.
Tất nhiên, kèm theo đó là những điều khoản hấp dẫn với mức phí hoa hồng cho phía ngân hàng từ 40%-60%. Điều này khiến các ngân hàng coi thu nhập từ bán bảo hiểm (bancassurance) trở thành nguồn thu chính trong vài năm trở lại đây. Vấn đề này đã tạo áp lực đối với nhân viên nhà băng khi họ liên tục phải nghĩ đủ cách để khách hàng phải mua BHNT.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020, ACB không công bố chi tiết khoản thu nhập bancassurance. Tuy nhiên, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần 6.531 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 11% xuống mức 797 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm mạnh 83%, chỉ còn 102 tỷ đồng.
Theo tiết lộ từ một nhà băng dẫn đầu thị trường hiện nay là Vietcombank, thỏa thuận bancassurance độc quyền với FWD đã mang về cho Vietcombank 400 triệu USD phí trả trước (tương đương 40% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank), sẽ được phân bổ trong 5 năm.
Điều này mang lại cho Vietcombank một khoản thu nhập bất thường hàng năm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 3 quý đầu năm của Vietcombank chưa ghi nhận khoản thu nhập này, rất có thể sẽ được ngân hàng hạch toán trong báo cáo tài chính quý 4.
Đây cũng là lý do 9 tháng đầu năm 2020 thu nhập từ dịch vụ và hoa hồng của Vietcombank tăng trưởng yếu (giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019). Một nguyên nhân khác khiến thu nhập dịch vụ tăng trưởng yếu (của các ngân hàng nói chung) là sự giảm tốc của tăng trưởng dư nợ cho vay trong 9 tháng đầu năm 2020, qua đó ảnh hưởng đến thu nhập phí bancassurance.
Ngân Giang
Vay ngân hàng được dỗ ngon lãi suất thấp, gật đầu mới ngã ngửa vì mua "bia kèm lạc"
Khách đến ngân hàng xin vay, nhân viên tín dụng mời chào nếu gửi tiết kiệm trong thời gian vay sẽ được giảm 2% lãi suất. Gật đầu, khi nhận tiền vay khách ngã ngửa vì cái gọi là “gửi tiết kiệm” đó chính là ký hợp đồng “mua bảo hiểm nhân thọ”