Đang lái xe buồn ngủ, đỗ vào đường cứu nạn cao tốc tạm nghỉ, có đúng luật?
“Việc dừng và đỗ xe trên đường cao tốc, nếu như không dừng trong làn đường khẩn cấp được phép dừng, thì là vi phạm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ”.
Mới đây, một người dùng mạng xã hội chia sẻ câu chuyện, khi đang điều khiển xe ô tô trên cao tốc Hà Nam – Hà Nội, do buồn ngủ nên người này dừng xe bên lề đường để tạm nghỉ, sau đó có một cảnh sát đến gõ cửa, bắt lỗi dừng đỗ xe vì ngủ gật.
Cảnh sát giải thích, do tài xế dừng xe ở vị trí không được dừng đỗ mà chỉ dành cho xe tai nạn dừng đỗ. Chiến sĩ cảnh sát đã quay phim lại và nói tài xế sẽ bị xử phạt nguội trong 7 ngày tới.
Câu chuyện chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với các quan điểm trái chiều.
Nhiều người cho rằng việc lái xe buồn ngủ, dừng xe để nghỉ ngơi đợi tỉnh táo mới lái xe tiếp như thế là đúng, trách nhiệm với sự an toàn của mình và người khác. Tuy nhiên, nhiều người đã viện dẫn quy định của pháp luật và khẳng định việc CSGT xử phạt là đúng, đồng thời, hành vi dừng xe trên đường cao tốc như thế, dù có bật đèn cảnh báo cũng vẫn không thể đảm bảo an toàn cho chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác.
Tài xế chia sẻ câu chuyện dừng xe "tạm nghỉ" trên cao tốc Hà Nam - Hà Nội vì quá buồn ngủ, xin ý kiến tư vấn luật của cộng đồng mạng. |
Trao đổi với PV Infonet về tình huống này, Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục CSGT) cho biết: "Theo quy định, dừng đỗ xe trên cao tốc là sai rồi. Nếu tài xế có bị làm sao phải dừng xe thì phải đặt cảnh báo và thông báo cho trung tâm điều hành cao tốc để người ta biết và đến hỗ trợ".
Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng: Làn dừng khẩn cấp là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc theo quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ, làn này được phân cách với làn xe chạy bằng vạch liền màu trắng.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, khi di chuyển trên cao tốc, các phương tiện không được cho xe chạy ở phần lề đường và làn dừng xe khẩn cấp.
Những trường hợp được phép dùng làn khẩn cấp bao gồm: ô tô bị hư hỏng, thủng lốp xe, xe rơ moóc gặp trục trặc hay sức khỏe của tài xế có vấn đề không thể tiếp tục lái xe thì có thể được quyền sử dụng hoặc là làn đường dành riêng cho các xe quân sự, xe Công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
Vì vậy, những trường hợp khác thì không thể sử dụng làn đường này để di chuyển như làn khẩn cấp không được phép sử dụng để vượt xe khác. Ngoài ra, không được dùng làn khẩn cấp để nghe điện thoại, nghỉ ngơi hoặc đi vệ sinh. Thay vào đó, bạn có thể làm những việc này tại các trạm dịch vụ được đặt cách nhau vài km trên cao tốc”.
Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú cũng nhận định: “Trong tình huống này nói là ngủ nhưng có thể tách ra làm 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, lái xe cứ đi 2 -3 tiếng lại dừng lại ngủ 1 lần, việc ngủ này là không được phép, lái xe chỉ được phép dừng ngủ ở trạm dừng nghỉ.
Tuy nhiên, khi đang lái xe mà mệt mỏi quá phải nghỉ ngơi để đảm bảo an toàn, vì lý do sức khỏe thì không bị xử phạt. Nếu như lái xe cứ chạy xe định kỳ, đi mấy tiếng lại nghỉ như thế thì không được phép và bị xử phạt”.
Còn luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho rằng: “Việc dừng và đỗ xe trên đường cao tốc, nếu như không dừng trong làn đường khẩn cấp được phép dừng, thì là vi phạm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ”.
Luật sư viện dẫn: “Hành vi dừng đỗ xe trên đường cao tốc bị xử phạt được quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Với hành vi vi phạm trên lái xe sẽ bị xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, tước GPLX từ 2 đến 4 tháng".
"Đối với sự việc nêu trên, lái xe vì buồn ngủ nên đã dừng xe trên đường cao tốc Hà Nam - Hà Nội, dừng tại khu vực không được phép dừng với lý do tự dừng, cần nghỉ ngơi. Do đó, việc xử phạt là theo quy định", luật sư khẳng định.
Trưởng VPLS Trung Hòa phân tích: "Theo quy định của luật giao thông đường bộ, người lái xe khi tham gia giao thông cần phải đảm bảo tốt sức khỏe. Điều này thể hiện đầu tiên ở việc thi lấy bằng lái xe, một trong những tài liệu cần phải có là giấy khám sức khỏe theo quy định.
"Bản thân mỗi người lái xe đều hiểu rằng tai nạn giao thông rất nguy hiểm, nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người khác bất cứ lúc nào. Do đó, khi tham gia giao thông với vai trò là người điều khiển các phương tiện giao thông, tài xế cần phải tự đảm bảo sức khỏe tốt, không thuộc các trường hợp cấm của luật; đảm bảo tinh thần tỉnh táo khi tham gia giao thông, tập trung lái xe, quan sát để chuyến đi được an toàn và xử lý tốt các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Chính vì thế, đã xác định là người điều khiển phương tiện giao thông và tham gia giao thông, bắt buộc tài xế phải tự ý thức về sức khỏe của mình, sắp xếp công việc, nghỉ ngơi sao cho đảm bảo việc tham gia giao thông an toàn”, luật sư nêu quan điểm.
Tiến Anh