Đàn bà bám biển

Những tưởng công việc đi biển nặng nhọc và có phần hiểm nguy chỉ dành riêng cho cánh đàn ông.

Ấy thế mà, ở các làng chài Hải Tiến, Minh Hải (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), chị em phụ nữ ở đây hàng ngày vẫn đạp sóng ra khơi.

Ra khơi vào lộng

Ngồi trò chuyện với ông Phan Văn Chinh- Chủ tịch Hội nghề cá Thuận An, cũng là một tay đi biển cự phách với hàng chục năm cưỡi sóng đạp gió, mới hay, phụ nữ đi biển nơi đây giờ chỉ còn lại được vài người. Ông bảo: “Hồi xưa thì nhiều vô kể, dù có kiêng cử nhưng mưu sinh thì phụ nữ vẫn làm. Giờ chỉ còn mươi hộ dân có phụ nữ đi biển mà thôi. Mà họ cũng ra khơi vào lộng, kiếm tiền không thua gì đàn ông: “Ở thị trấn này, chị em đi biển thì không ai “qua” được bà Thương, bà Thìn rồi. Đi hết con đường, đến chân cầu hỏi nhà khắc biết.”

Đàn bà bám biển - ảnh 1

Chị Thương cùng bạn thuyền cũng là phụ nữ chuẩn bị ra khơi đánh bắt cá

Trong câu chuyện của ngày mưa, làng chài Minh Hải như thu mình lại bên bờ phá. Dong chiếc ghọ từ rào Thuận An trở về, trên vai lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc, cả những mẻ cá là thành quả lao động sau một ngày cực nhọc, chị Trần Thị Thương (46 tuổi, thôn Minh Hải), thở hắt: “Cả ngày ni được mấy cân chú à, đủ mua gạo, tiền dầu.”

Chị Thương theo bố mẹ làm nghề từ lúc 14 tuổi. Là con nhà ngư nghiệp thứ thiệt, từ nhỏ chị cũng quen với sóng gió biển khơi. Năm 22 tuổi, chị lấy chồng, rồi về định cư ở làng chài Minh Hải. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Cường (46 tuổi), bị mất sức lao động, chỉ ở nhà trông con nên chị phải bám biển mưu sinh, kiếm tiền đong gạo nuôi cả nhà. Chị tâm sự: “Đàn bà đi biển hồi xưa thì khá nhiều, thường là đi cả hai vợ chồng. Ở miền biển hồi xưa cũng có kiêng cữ dữ lắm. Phụ nữ không được đụng tay vô mũi thuyền, vì sợ xui; không được chui qua gánh lưới hay đi biển mà “ra ngõ gặp đàn bà thì ở nhà còn hơn”… Giờ thì cũng đã khác rồi. Chồng mình không lao động được, kiêng cữ lấy gì nuôi con”.

Mùa này, chị Thương chỉ đi đánh bắt ghe gọ gần bờ, kiếm phụ thêm tiền. Từ sớm tờ mờ, chị đạp xe lên chợ Tân An, mua mồi tôm để về dong thuyền ra cửa câu. Các loại hải sản đánh bắt gần bờ như cá căng, móm, chai, giá trị kinh tế không cao nên một ngày chỉ kiếm được 150-200 nghìn đồng, cũng chỉ đủ tiền đong gạo. Mùa biển động cũng là mùa tranh thủ vá lưới, sửa sang ngư cụ. Đến mùa đánh bắt, chị cùng 8 lao động đi bạn trên tàu của chị Trần Thị Thìn, 49 tuổi, thôn Hải Tiến.

Sáng sớm tinh sương, tại bãi bồi làng chài Hải Tiến, những tư thương thu mua cá chờ sẵn, ngồi bệt giữa trảng cát, tụm năm tụm ba nói chuyện. “Thuyền về rồi”. Một chị nói lớn. Khi lớp sóng lô nhô, xập xòa còn dát ánh bạc bình minh, hàng chục thuyền đánh cá đã rẽ sóng vào bờ. Thuyền vừa cập bến, một phụ nữ nhảy phắt xuống, bưng mẻ cá còn chảy ròng ròng nước biển. Hỏi ra mới biết là chị Thìn ở Hải Tiến. Chị Thìn cũng là một phụ nữ đi biển cự phách, sau bao năm bám biển, tích góp tiền bạc, chị sắm được thuyền lớn, cùng những bạn thuyền trong thôn đi đánh bắt xa bờ. Tâm sự với nghề, chị cho biết: “Bình quân một chuyến mình đi từ 10-15 ngày. Có khi đi dài ngày thì ra tận các ngư trường Cồn Cỏ (Quảng Trị), Quảng Bình. Mỗi chuyến đi gần bờ, thu nhập từ 10-15 triệu, chia cho các lao động. Nói chung cũng đủ sống…”

Đưa con khôn lớn

“Nghề biển lắm gian nan vất vả, chỉ phù hợp với cánh mày râu sức dài vai rộng mà thôi. Nhà neo người nên cực chẳng đã phụ nữ bọn tui phải bám biển. Nói là cộng việc nặng nhọc bởi trên thuyền chủ yếu là đàn ông, lợi nhuận chia đều nên công việc của họ làm được thì mình cũng làm được. Thuyền nhỏ chỉ kê một tấm ván, giấc ngủ chập chờn. Thuyền lớn đi dài ngày, sinh hoạt cũng bất tiện, nhưng cũng vì mưu sinh nên mình vượt qua cả”, chị Thương bộc bạch.

“Toàn thị trấn có 379 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 62 chiếc thuyền công suất từ 90CV trở lên, sản lượng đánh bắt đạt 7.650 tấn/năm. Việc phụ nữ đi biển từ xưa thì rất nhiều, giờ chỉ còn lại khoảng chục hộ. Chị em chủ yếu làm nghề đánh bắt gần bờ như câu, lưới rùng, lưới dứt, chỉ một bộ phận nhỏ có tham gia đánh bắt xa bờ.”- ông Hà Thanh Hoài, Cán bộ phụ trách nông- lâm- ngư thị trấn Thuận An (Phú Vang).

Hơn 30 năm gắn mình trên con sóng, tuổi xuân của chị Thương đánh rơi lúc nào không hay! Làn da cháy nắng, đôi tay kéo lưới chai sần, dạn dày gió sương khiến chị như già hơn so với cái tuổi 46 của mình. Bối lại mái tóc cháy vàng lòa xòa trước mặt, chị kể: “Nói về hiểm nguy của nghề biển thì vô số chú à. Có hôm thuyền vừa ra đến nơi, trời tối, vừa thả lưới, buông câu xong, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức thì bỗng đâu giông lốc kéo đến, thuyền nhỏ, làm sao chịu được lốc tố lớn, mọi người bàn nhau bỏ cả lưới chạy vào bờ thoát thân”. “Nhọc nhằn thế nhưng nếu cho chọn lại chị có chọn nghề đi biển không?” tôi hỏi. Chị bảo: “Đúng là cơ cực thiệt nhưng nhà mình mấy đời ngư nghiệp. Chữ nghĩa cũng không đến nơi đến chốn thì cứ theo nghề biển thôi. Vả lại, đàn ông làm được, đi biển dọc ngang, không lẽ miềng không đi được. Nuôi con cái lớn khôn, học hành đến nơi là hạnh phúc rồi.”

Ngồi nhắc chuyện học, đôi mắt chị Thương như sáng lên, ánh niềm tự hào khó tả. Chị Thương có hai người con, con gái đầu đã theo nghề, vào phố thị kiếm sống. Con gái út là em Nguyễn Thị Loan (16 tuổi), năm nay học lớp 11 Trường THPT Thuận An. Cháu Loan học rất giỏi, năm nào cũng có giấy khen và phần thưởng của trường. Con gái học giỏi, ngoan ngoãn là phần thưởng không gì quý giá bằng, đền đáp những tháng ngày cơ cực của người mẹ bám biển.

Với chị Thìn, sau bao năm bôn ba, giờ đã có thuyền ra khơi vào lộng kiếm sống. Cũng không phải giàu có, nhưng cuộc sống ổn định là niềm mơ ước của nhiều phụ nữ bám biển. Chị Thìn có 8 người con, đã dựng vợ gả chồng được 6 người. Hai người con út vẫn theo nghiệp đèn sách. “Có 3 đứa đã mua sắm được ghe gọ theo nghiệp biển của gia đình, giờ con cái mình cũng bám biển là vui lắm rồi”.- chị Thìn tâm sự.

Còn bà Phạm Thị Dóc (60 tuổi, thôn Hải Tiến), sau mấy chục năm miệt mài cùng vuông lưới cần câu, nghề đi biển của bà là cả một chặng đường đầy tự hào. Biết ra khơi từ lúc là thiếu nữ, mấy chục năm sống chết với nghề, giờ cả “gia tài” của bà là những đứa con khôn lớn, có nhà cửa khang trang ở trong thôn. Điều vui hơn, con bà như các anh Nguyễn Hám (40 tuổi), Nguyễn Hối (45 tuổi) đều đã sắm được ghe ghọ, thuyền lớn vươn khơi, nối tiếp nghề của cha ông. Những người con gái, con dâu bà Dóc cũng “bước qua lời nguyền” để mưu sinh cùng biển.

Bài, ảnh: Hà Nguyên/Báo Thừa Thiên Huế

Đồn Biên phòng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế, lực lượng Biên phòng đã tổ chức nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động tới ngư dân.

Nghệ An: Duy trì 4 tổ công tác liên ngành kiểm soát nghề cá

Bốn tổ công tác liên ngành được bố trí tại 4 cảng cá lớn ở Nghệ An, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra, kiểm soát nghề cá.

Hà Tĩnh: Kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác hải sản trái phép

Mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng một số người vẫn sử dụng kích điện để khai thác hải sản trên biển, vi phạm Luật Thuỷ sản 2017 và cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu.

Tuyên truyền chống khai thác IUU ở huyện ven biển duy nhất Ninh Bình

Huyện Kim Sơn là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp biển nên việc tuyên truyền chống khai thác IUU luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Hà Tĩnh: Những thách thức và giải pháp trong chống khai thác IUU

Mặc dù còn nhiều thách thức và trở ngại trong quản lý, điều hành chống khai thác IUU, tuy nhiên với tinh thần quyết liệt và đồng bộ, Hà Tĩnh đang từng bước giải quyết một cách hiệu quả.

Lồng ghép tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân vùng biển

Chủ tàu cá, ngư dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) được tuyên truyền về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thông qua các cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Nghệ An: Nỗ lực tuyên truyền chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn để ngư dân vươn khơi

Trong những năm qua, các ngành chức năng Nghệ An đã chú trọng tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, đồng thời phối hợp ngăn chặn tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nghệ An: 100% chủ tàu cá khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Tất cả chủ tàu, thuyền trưởng khai thác xa bờ ở Nghệ An đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, thực hiện cập nhật dữ liệu lên phần mềm VNFishbase nhằm đảm bảo hoạt động tàu cá không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Nghệ An: Kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm quy định về khai thác thủy sản

Trong năm 2022, ngành chức năng ở Nghệ An đã kiên quyết xử phạt nhiều vụ vi phạm quy định về khai thác thủy sản, từ đó ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân từng bước được nâng cao.

Thanh Hóa: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong chống khai thác IUU

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thủy sản trái phép, kiểm soát việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Đang cập nhật dữ liệu !