Đắk Nông ghi nhận 25 ca nhiễm vi khuẩn bạch hầu
Từ cuối tháng 6/2020, tỉnh Đắk Nông xuất hiện một số trường hợp nhiễm vi khuẩn bạch hầu tại huyện Krông Nô. Đến sáng 7/7, toàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 25 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu ở 3 huyện khác nhau.
Lực lượng y tế tổ chức khám, rà soát dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Đắk G’long |
Ngày 7/7, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xác nhận, đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Theo đó, dịch bạch hầu lần lượt xuất hiện tại các huyện Krông Nô, Đắk G’long và Đắk R’lấp của tỉnh Đắk Nông. Trong số 25 ca bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, có 2 trường hợp là Sùng Thị H. và Giàng A Ph. (đều trú tại huyện Đắk G’long) đã tử vong.
Hiện tại, còn 19 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô. Những ca khác đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, tiêm vắc-xin cho hơn 3,5 ngàn người, cho uống thuốc điều trị dự phòng hơn 2,5 ngàn người trong và ngoài vùng dịch.
Ngoài ra, lực lượng y tế cũng tiến hành rà soát, xác định các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân bị nhiễm bạch hầu, để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát dịch.
Theo ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, việc tiêm chủng mở rộng ở nước ta được thực hiện tốt. Tuy nhiên, ở các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, vẫn có một số vùng lõm về tiêm chủng.
Do đó, phần lớn người bị nhiễm vi khuẩn bệnh bạch hầu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ đến khoảng 5 đến 7 tuổi. Vì vậy, ở các độ tuổi như 7 tuổi, 12 tuổi, 18 tuổi người dân nên chủ động tiêm nhắc lại để bảo vệ sức khỏe, có hệ miễn dịch tốt trước dịch bệnh.
Hải Dương