Đắk Lắk tập trung hỗ trợ trẻ em khó khăn
Đắk Lắk vẫn còn gần 77.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Được biết, trong những năm gần đây, công tác BVCSTE ở Đắk Lắk có nhiều thuận lợi, một số đơn vị đã tham mưu tốt cho UBND chỉ đạo các ngành thực hiện các chỉ tiêu, nhất là các chương trình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn với trẻ em, tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em. Các chương trình thăm, tặng quà nhân ngày tết Nguyên đán cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hàng nghìn trẻ em bị dị tật về mắt, hàm mặt, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh đã được hỗ trợ phục hồi chức năng, được cấp xe lăn và trẻ em nghèo được tặng quà, cấp học bổng. Những việc làm đó đã giúp các em vơi đi nỗi bất hạnh, thắp sáng niềm tin, nghị lực, tạo điều kiện cho các em có cơ hội phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Trẻ em dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng cần được quan tâm chăm sóc
Đặc biệt, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011 - 2015, trong năm vừa qua, Sở Lao động – TBXH đã tổ chức điều tra trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 7 đơn vị (Thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Ea Súp, Cư M’Gar, Ea Kar, Krông Năng, Lắk, Cư Kuin). Đơn vị cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk triển khai thí điểm “Mô hình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong trường học giai đoạn 2011 - 2015” (gọi tắt là mô hình Tư vấn học đường). Tiếp đến là chọn 10 trường THCS để xây dựng mô hình tập trung cho các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh khối lớp 7 và lớp 8 với các nội dung được chú trọng là học sinh nghiện game, bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống, kiến thức giới tính, sinh sản; phối hợp với Công an tỉnh xây dựng “Mô hình phòng ngừa, quản lý, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng tại phường Thành Công - Thành phố Buôn Ma Thuột”. Đồng thời, triển khai đề án “Xây dựng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng” tại 6 xã của các huyện: Cư M’Gar, Cư Kuin, Ea H’Leo, Krông Năng, trong đó tập trung xây dựng mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật dựa vào cộng đồng (huyện Cư kuin và Ea H’leo); mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực dựa vào cộng đồng (huyện Cư Mgar) và mô hình phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng (huyện Krông Năng). Đến nay, các đơn vị đã hoàn chỉnh các thủ tục tổ chức ra mắt mô hình, trong đó mỗi xã thành lập một câu lạc bộ bảo vệ trẻ em và xây dựng một điểm tư vấn cộng đồng, văn phòng đặt tại trụ sở UBND xã.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phát triển các dịch vụ tư vấn, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ và chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển.